(Mặt trận) -Bạc Liêu đã và đang thực hiện 6 dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gọi tắt là Chương trình), với số tiền gần 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn chỉ đạt 15%; dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS chưa triển khai được. Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu phải triển khai hiệu quả Chương trình với tinh thần công khai, dân chủ, có sự tham gia tích cực của người dân.
|
Bà Phan Thanh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông (thứ hai từ trái sang) thăm hỏi hộ dân tộc Khmer - Thạch Khanh (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.Q |
TRIỂN KHAI TẠI 14 XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Chiều 4/7, bà Phan Thanh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã đi thăm 2 trong số 3 hộ dân cùng ở ấp Biển Đông A được vay vốn từ Chương trình vào giữa tháng 12/2022. Ngoài hộ ông Lý Vil được vay 30 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi, thì hộ ông Thạch Khanh đã mua được chiếc ghe lưới để làm nghề khai thác cá kèo giống từ nguồn vốn 45 triệu đồng được vay. Ông Khanh cho biết: “Trước đây phải dùng thùng xốp để kéo lưới, giờ có ghe, công việc tốt hơn, mỗi tháng dư 2 - 3 triệu đồng gửi Ngân hàng Chính sách xã hội”.
Ngoài cho 3 hộ dân vay vốn chuyển đổi nghề, Chương trình còn đang mở 3 lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi cua biển, tôm thẻ chân trắng và vịt cho 90 người dân xã ven biển này. Các giảng viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đến tận ấp mở lớp từ ngày 17/6 - 16/8/2023. Sau 3 lớp này, sẽ khai giảng thêm 6 lớp dạy nghề tương tự. Cùng với đó, 3 cán bộ của xã cũng đã được đi ngoài tỉnh tập huấn triển khai, thực hiện Chương trình.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS, với nguồn vốn được Trung ương phẩn bổ là 58,4 tỷ đồng, cộng với nguồn đối ứng 15% của tỉnh. Riêng năm 2022 và 2023, nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh là gần 47 tỷ đồng để triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, có 2 dự án không thể giải ngân được, do không có địa bàn thực hiện, phân bổ vốn và đối tượng thụ hưởng; trong đó có dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS (dự án 6), do Sở VH-TT&DL chủ trì.
PHẤN ĐẤU GIẢI NGÂN VỐN ĐẠT 90%
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức tại Cần Thơ ngày 3/7, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có bài tham luận. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu “Xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc từ nay đến năm 2030 là phải triển khai hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS”. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ giải ngân vốn năm 2022 và 2023 đạt 90% tổng nguồn vốn được giao; điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ chính sách nhà ở, đất ở của dự án 1 lên 46 triệu đồng/trường hợp; dự án 6 bổ sung thêm 3 nội dung thực hiện.
Chương trình là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình sẽ tác động lớn, tích cực đến đời sống đồng bào DTTS. Trong tiến trình triển khai, Bạc Liêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp, khóm khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất.
NGUYỄN QUỐC