Chung tay xây dựng nông thôn mới ở Mường Sang

(Mặt trận) -Mục tiêu “Làng bản ấm no, không còn đói nghèo”, “Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh”, “Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền”, “Làng xóm yên vui” trong chương trình xây dựng nông thôn mới, giờ đây không chỉ là khẩu hiệu, mà nó hiện hữu ở từng tuyến đường bản, tiểu khu, ngõ xóm. Đây là cảm nhận chung của chúng tôi khi về thăm những địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người có uy tín tỉnh Lạng Sơn: Cầu nối gắn kết trong cộng đồng dân cư

Đồng Sơn vươn mình

Đakrông, điểm sáng về xóa nhà tạm, nhà dột nát

 Hằng tuần, nhân dân bản Thái Hưng, xã Mường Sang (Mộc Châu) tập trung quét dọn tuyến đường nội bản.

Mường Sang là xã nông thôn mới điển hình của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trong suốt 5 năm qua, người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông làm trên 10 km đường trục bản, gần 20 km đường ngõ, trên 10 km tuyến nội đồng đã được bê tông hóa. Tất cả các tuyến đường này được quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; dọc hai bên đường rợp những sắc hoa; nhân dân định kỳ hằng tuần chung tay dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Mường Sang có xuất phát điểm thấp, thế nhưng xã đã có bước đột phá trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện.

Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Sang, chia sẻ: Những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân còn nghi ngờ sự thành công và lo ngại khi hiến đất làm đường. Nhưng bây giờ, công việc ấy đã lan tỏa khắp xã. Việc tuyên truyền vận động người dân tham gia góp công, góp của và chung ý tưởng xây dựng nông thôn mới nâng cao đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nổi bật là các phong trào “Nhà tôi xanh, sạch, đẹp”, “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân; phong trào “Hội Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh... Nhờ thế mà toàn xã chỉ còn 8 hộ nghèo, chiếm 0,5% tổng số hộ.

Chúng tôi đến thăm bản Thái Hưng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, đây là bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Gặp ông Nguyễn Hữu Ngọc, người đã gần 20 năm làm Trưởng bản, ông hiểu rõ hành trình xây dựng nông thôn mới của bản có những khó khăn, vất vả như thế nào để có được kết quả như ngày hôm nay. Ông Ngọc chia sẻ: Trước đây, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, nhắc đến 19 tiêu chí, không ai trong bản tin rằng có thể thực hiện được. Bây giờ hỏi thì khác rồi; bất cứ người nông dân nào trong bản đều hiểu về nông thôn mới. Để có kết quả như bây giờ, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Ban quản lý bản vừa phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, vừa kiên trì tuyên truyền vận động nhân dân tham gia. Sau 6 năm, người dân trong bản có thu nhập trên 54 triệu đồng/người/năm; 100% đường trục bản, đường nội đồng được bê tông hóa; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; các hộ đều thực hiện tốt vệ sinh khu dân cư, có hàng rào bằng cây xanh hoặc hoa; gần 96% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; chỉ còn 2/80 hộ nghèo...

Nhớ lại câu chuyện bắt đầu bước vào xây dựng nông thôn mới, các xã trong tỉnh có xuất phát điểm thấp nên thật sự khó khăn. Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 3 xã đạt 6 tiêu chí, 180 xã dưới 5 tiêu chí (trong đó có 18 xã chưa đạt tiêu chí nào). Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 1,61 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí hết sức khó khăn, như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập... Sản xuất nông nghiệp manh mún, giá trị hàng hóa chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, mới đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn rất cao (40,15%).

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, các huyện, thành phố và các xã trong tỉnh đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Tỉnh Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế địa phương, như phong trào “Phát huy nội lực, hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới”, “Xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh - sạch - đẹp”, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu...

Sau 10 năm thực hiện, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần được nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp. Giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi xóm làng, người dân. Đến nay, 100% số xã có đường đến trung tâm xã; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên; đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 18,62%.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La: Tinh thần toàn dân xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Nhờ đó, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 26,1%; vượt 26 xã so với kế hoạch; 100% huyện, thành phố trên địa bàn đều đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới (riêng Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019). Có được kết quả này, đầu tiên phải nói đến vai trò của người dân. Họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm; luôn tự nguyện, đồng lòng, chủ động xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày càng xanh, sạch đẹp.

Xác định nông dân là chủ thể và nhà nước đóng vai trò định hướng, đồng hành, hỗ trợ cùng người dân trong tất cả các khâu xây dựng nông thôn mới. Thêm nữa, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tạo động lực thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn, nông dân Sơn La đã thay đổi thật sự, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Vũ Tuấn