Chư Pưh (tỉnh Gia Lai): Nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Từ các nguồn vốn hỗ trợ, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) tập trung đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Những năm qua, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền ở Chư Pưh quyết liệt triển khai. Theo đó, huyện đã thực hiện các mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2021 như: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 với số vốn hơn 695 triệu đồng... Ngoài ra, các ngành đã tập trung hỗ trợ giống lúa, bắp lai, phân bón và vật nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất sản xuất nông nghiệp ở các xã khu vực III, II và làng đặc biệt khó khăn, xã khu vực I.

Đặc biệt, để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt trận và các đoàn thể huyện phối hợp cùng đơn vị liên quan và các xã, thị trấn vào cuộc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn hỗ trợ sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai mô hình nuôi bò sinh sản tại làng Bê Tel (xã Ia Rong) cho 5 hộ nghèo người dân tộc thiểu số với 5 con bò sinh sản từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện là 50 triệu đồng. Năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trích từ Quỹ “Vì người nghèo” 340 triệu đồng hỗ trợ cho 35 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nuôi dê, gà, heo, bò.

Cùng với đó, Hội Cựu chiến binh huyện với mô hình “10+1” đã giúp 77 hộ hội viên đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Các cấp Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị xóa 19 nhà dột nát cho hội viên nghèo. Hội Nông dân huyện đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo Đề án 61 giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững.

 Bà Rmah Líu (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) chăm sóc đàn heo của gia đình. Ảnh: Nguyễn Diệp

Cũng trong giai đoạn 2017-2020, 34 mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai đã thu hút 366 thành viên tham gia, giúp 68 hộ có hoàn cảnh khó khăn bằng các hoạt động hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Bà Ksor H’Hye (thôn Hra, xã Ia Hla) cho hay: Năm 2019, tôi vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để trồng hơn 200 cây cà phê giống mới. Đến nay, cà phê đã bước vào kinh doanh. Mỗi năm, tôi thu lợi khoảng 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, năm 2021, tôi đăng ký thoát nghèo và được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ 1 con heo giống. Còn bà Rmah Líu (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) thì cho biết: “Do ít đất sản xuất, lại nuôi 5 con nhỏ nên cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, tôi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ 1 con heo giống sinh sản. Đến nay, heo đã đẻ lứa đầu tiên được 8 con, tôi chia 3 con cho hộ nghèo khác trong làng cùng nuôi xoay vòng để nhân rộng mô hình. Tôi sẽ cố gắng duy trì phát triển đàn heo để thoát nghèo trong thời gian tới”.

Theo bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh: “Ngoài triển khai các mô hình, chúng tôi còn giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, toàn huyện đã có 41 hộ hội viên thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều”.

 Nhiều hộ nuôi dê để thoát nghèo bền vững. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, dự án và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chư Pưh giảm từ 29,05% đầu năm 2016 xuống 5,09% vào cuối năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 51,75% năm 2016 giảm còn 8,78% năm 2020. Đến cuối năm 2021, toàn huyện còn 660 hộ nghèo, chiếm 3,78%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 542 hộ, chiếm tỷ lệ 81,1% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND cùng sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận và các đoàn thể. Đặc biệt, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, đảm bảo tỷ lệ thoát nghèo đạt kế hoạch đề ra. Nhiều mô hình hay, giảm nghèo hiệu quả giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. 

NGUYỄN DIỆP