Chăm lo đồng bào dân tộc ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

(Mặt trận) -Thời gian qua, bên cạnh việc thường xuyên triển khai thực hiện những chính sách chăm lo cho các gia đình chính sách, dân tộc, tôn giáo, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Đảng và nhà nước còn quan tâm đến vùng đồng bào bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 và kịp thời có những chính sách giúp đỡ đồng bào từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang và các ngành đến thăm, hỗ trợ gia đình đồng bào dân tộc có người thân mất do COVID-19 tại huyện Tri Tôn

Ngay từ đầu năm, Ủy ban Dân tộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các vụ, đơn vị và cơ quan công tác dân tộc tỉnh, thành phố tập trung phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm; các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch. Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 bằng nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với địa phương; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân trong vùng đồng bào DTTS tích cực tham gia phòng, chống dịch; phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào phòng, chống dịch COVID-19.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 9-2021, các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS có 602.738 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 9.474 ca mắc COVID-19 là người DTTS, riêng tại Tây Nam bộ là 1.278 ca. Với An Giang, Ban Dân tộc tỉnh đã ghi nhận 11.280 đồng bào DTTS trở về từ các địa phương vùng dịch, như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tập trung nhiều nhất tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Qua công tác sàng lọc, kiểm tra, các địa phương đã phát hiện 376 trường hợp F0 được cách ly và điều trị. Ban Dân tộc tỉnh An Giang đang tiến hành rà soát, tổng hợp lại số liệu đồng bào DTTS bị nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh và vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Trước mắt, các địa phương đã hỗ trợ 3 hộ nghèo (mỗi hộ 2 triệu đồng), 5 hộ có hoàn cảnh khó khăn (mỗi hộ 500.000 đồng), đồng thời vận động các nguồn lực xã hội tiếp tục hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ ăn uống tại các khu điều trị, cách ly tập trung. Với những nạn nhân mất do COVID-19, tại huyện Tri Tôn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao tro cốt và hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng (trong đó có các gia đình đồng bào DTTS) giúp họ ổn định cuộc sống. Ban Dân tộc tỉnh An Giang luôn quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, hỗ trợ kịp thời để lao động tự do, người bán vé số thuộc vùng đồng bào DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ.

3 tháng cuối năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh An Giang tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tại các địa phương để đề xuất những giải pháp giúp đỡ kịp thời đồng bào dân tộc gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình về các lĩnh vực an ninh chính trị, đời sống xã hội của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để chủ động đề xuất hướng xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc, khó khăn khi xảy ra. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, phối hợp với Học viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc mở lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc năm 2021.

Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền tại các địa phương có đông đồng bào DTTS và các Trường Dân tộc nội trú của tỉnh An Giang theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, tổ chức họp mặt, gặp gỡ người có uy tín vào dịp cuối năm nhằm chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan. Qua đó, kịp thời tôn vinh và nêu gương các điển hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt là người có uy tín trong đồng bào DTTS.

T.P