Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam cùng các đoàn thể luôn quan tâm, chú trọng đến việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ông Bríu Tư (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kỹ thuật trồng nghệ đen.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam, những năm qua, được sự tập trung đầu tư của Nhà nước, tình hình đời sống, sản xuất vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực; việc trồng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi bảo vệ được thực hiện từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực địa phương; công tác giáo dục được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được các cấp, các ngành chú trọng; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, vệ sinh môi trường, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, ổn định.

“Thông qua việc ưu tiên, tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, bố trí dân cư, ổn định và phát triển sản xuất góp phần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội” - ông Hùng cho biết.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2022 nguồn vốn triển khai Chương trình toàn tỉnh đã giải ngân được gần 60 tỷ đồng trong tổng số 422 tỷ đồng được phân bổ cho các dự án, chương trình liên quan vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; năm 2023, tỉnh đã triển khai phân bổ vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đối ứng cho các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện chương trình 782 tỷ đồng.

Có những mô hình nổi bật, như khoanh nuôi bảo vệ phát triển rừng, đến nay, tổng diện tích trồng rừng đạt 93.627,92ha, trong đó diện tích trồng mới đạt 20.723,75ha; diện tích trồng lại rừng sau khai thác đạt 72.904,17ha. Thực hiện khoanh nuôi bảo vệ rừng đạt 21.050,5ha.

Hay như việc trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, cụ thể như sâm Ngọc Linh, năm 2021-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án sử dụng môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh cho 6 tổ chức với tổng diện tích 17,64ha, như vậy tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 19 tổ chức với tổng diện tích 364,52ha. Riêng Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My được UBND tỉnh cho thuê môi trường rừng với diện tích 77,17ha. Với giá trị từ 100 đến 200 triệu đồng/kg sâm Ngọc Linh.

Còn ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, sau gần 1 năm triển khai dự án trồng nghệ đen theo tiêu chuẩn OCOP, bước đầu cho thấy tính hiệu quả. Ông Bríu Tư – người dân ở thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn chia sẻ: “Những cây nghệ đen của gia đình đã đến kỳ thu hoạch. Mỗi cân nghệ tươi được bán tại chỗ với giá 30.000 đồng so với một số loại nông sản khác, nghệ đen cho thu nhập cao hơn nhiều lần đã góp thêm vào nguồn thu nhập của gia đình”.

Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, mô hình trồng nghệ đen được triển khai vào đầu năm 2022 nhằm giúp người dân có thêm sinh kế. Ban đầu, mô hình triển khai thí điểm tại thôn Bhơ Hôồng với hơn 2ha, hỗ trợ 67 hộ tham gia trồng, chăm sóc. Sau thời gian triển khai, cây nghệ đen phát triển tốt nên địa phương phối hợp với đơn vị cung cấp giống hỗ trợ nhân rộng cho 48 hộ tại các thôn Pho và Bh’lô Bền, xã Sông Kôn.

Không chỉ các mô hình kinh tế trên đem lại hiệu quả, mà ở vùng núi Quảng Nam còn rất nhiều mô hình trang trại khác đã thật sự làm đổi thay cuộc sống của người dân.

TẤN THÀNH - CHÍ ĐẠI