Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông ở Tân An

(Mặt trận) -Thời gian qua, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND xã Đông Thọ triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ.

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Công an xã Đông Thọ (Sơn Dương) tích cực tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc Mông, thôn Tân An.     

Những năm 1979 - 1980, người Mông của Cao Bằng đã di chuyển về thôn Tân An sinh sống. Được sự hỗ trợ của nhà nước, người Mông tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Sau hơn 40 năm, những tập quán canh tác cũ dần thay đổi, người Mông ở Tân An đã quen dần với sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung. Toàn thôn hiện có gần 100 ha keo, hơn 10 ha mía. Đặc biệt, bà con ở đây phát triển đàn trâu nuôi nhốt chuồng từ rất sớm. Mỗi hộ gia đình đều có từ 2 - 5 con trâu nuôi nhốt trong chuồng với tổng đàn trâu khoảng hơn 500 con và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Ông Lý Văn Sình, khu Lũng Mây thoăn thoắt băm, chặt cây chuối, cây cỏ voi cho đàn trâu 5 con của gia đình. Ông Sình cho biết, đàn trâu của nhà mình được chăn nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên, tươi mới, nguồn thu nhập chính của gia đình trông đợi vào đây. Mới đây, gia đình ông cũng vừa được hỗ trợ 60 con gà giống. Hiện đàn gà đang phát triển tốt. Ông tin tưởng với sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức xã hội, gia đình ông và những gia đình khác trong thôn sẽ có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thôn Tân An hiện có 145 hộ, trên 700 nhân khẩu. Trong đó, có 143 hộ là đồng bào dân tộc Mông, chỉ có 2 hộ là người Kinh. Chính vì vậy mà người dân ở đây sống đoàn kết, chan hòa, yêu thương nhau. Tuy nhiên, là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, một số đối tượng đã tuyên truyền, lôi kéo bà con theo tà đạo, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất trật tự an ninh xã hội. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, UBND xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

Thượng úy Trần Văn Thông, Phó trưởng công an xã Đông Thọ cho biết, trước đây trên địa bàn xã có 19 hộ gia đình và 105 nhân khẩu theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an xã thực hiện các hoạt động “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân. Sau khi được tuyên truyền, vận động, đến nay các hộ đã tự nguyện ký cam kết chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, chú tâm vào phát triển kinh tế. 

Từ năm 2021 đến nay, Công an huyện Sơn Dương cũng đã phối hợp  xây dựng 11 ngôi nhà, làm đường bê tông, xây dựng 4 nhà vệ sinh... Người dân thôn Tân An từ chỗ ngại tiếp xúc với chiến sỹ công an đến nay đã biết lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, không có tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn.

Người dân thôn Tân An đang nhận được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể về cả vật chất và tinh thần. Năm 2022, thôn Tân An được hỗ trợ trồng 1 ha bí MT, 1.200 con gà lai chọi, 3.300 gốc bò khai, 10 triệu đồng/1 con trâu cho 15 hộ gia đình, bê tông hóa 1 tuyến đường dân sinh dài 100 m và xây dựng 2 cụm loa truyền thanh không dây... Các hộ dân được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc bí MT, rau đặc sản bò khai và chăn nuôi gà lai chọi đảm bảo năng suất, hiệu quả. Ngoài ra, UBND huyện còn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ chăn nuôi 1.000 con gà xương đen và hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông sản sạch của thôn Tân An. Đồng chí Lý Văn Súa, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân An cho biết, người dân trong thôn khi nhận được các nguồn hỗ trợ vô cùng phấn khởi. Bà con bảo nhau khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ ấy để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cuộc sống của người Mông thôn Tân An, xã Đông Thọ đang từng ngày thay da đổi thịt, nhiều ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng. Chắc chắn, với việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thay đổi đời sống, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Linh Chi