Cầu nối trong đồng bào Công giáo

(Mặt trận) -Thời gian qua, những Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tập trung đông đồng bào có đạo đã phát huy vai trò kết nối giữa chính quyền với cộng đồng, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong thực hiện các phong trào, mô hình ở khu dân cư.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ông Phạm Văn Tỵ (bên trái) và ông Phạm Văn Thành trao đổi về cách vận động nhân dân.

Nhờ vậy mà nhiều hoạt động ở khu dân cư đã có sự chung tay của đa số người dân, đại diện tôn giáo, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

* Xây dựng mô hình hiếu nghĩa

Trong số 93 tấm gương cán bộ Mặt trận tiêu biểu năm 2023 vừa được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tuyên dương, có 16 cá nhân là đồng bào có đạo. Theo ông Nguyễn Tất Độ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, những tấm gương được lựa chọn biểu dương đều có nhiều thành tích trong tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.

Một trong số này là ông Phạm Văn Tỵ, người đã có gần 10 năm đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Hòa Đồng (xã Ngọc Định, H.Định Quán). Ông Tỵ cho hay, ấp có 392 gia đình thì gần một nửa trong số này là đồng bào có đạo. Bà con sinh sống rải rác ở các khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều gia đình hoàn cảnh còn khó khăn.

Để tăng cường kết nối nhân dân, ông Tỵ cùng ban nhân dân ấp đã thực hiện nhiều mô hình, trong đó có thể kể đến Qũy Phúc lợi xã hội. Theo đó, khi mới khởi xướng cách đây 8 năm, mỗi gia đình đóng góp 50 ngàn đồng. Gần đây, do giá cả tăng nên mức đóng của mỗi hộ tăng lên 200 ngàn đồng. Số tiền này do ban ấp quản lý.

Ông Tỵ cho biết, khi gia đình nào không may có thành viên qua đời, ban ấp sẽ tổ chức đoàn đến viếng rồi sử dụng quỹ để phúng viếng, vòng hoa chia buồn. Riêng với gia đình mà người thân qua đời ở quê xa, ban ấp cũng tìm đến thăm hỏi, chia sẻ.

Ngoài ra, thực hiện mô hình Mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, thông qua vận động từ chức sắc, chức việc đã có 7 hộ gia đình được hỗ trợ 10kg gạo/tháng/hộ. Đồng thời mỗi năm, ông Tỵ còn phối hợp vận động 650 suất quà cho người nghèo, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi.

Song song đó, để thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình đối với công tác xây dựng địa phương, thời gian qua, giáo dân này đã vận động nhân dân, trong đó có những người cùng tôn giáo tích cực tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động và nhất là đồng thuận các chủ trương, chính sách trong thực hiện phát triển địa phương. Cụ thể, trong quá trình xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn, trên địa bàn ấp thực hiện tuyến đường dài 2,5km. Ông cùng ban ấp đã vận động bà con đóng gần 1 tỷ đồng để thi công tuyến đường; đồng thời không để rác trước khu vực nhà mình mà thay vào đó phải dọn dẹp hàng ngày để sạch nhà, đẹp ngõ. Khu vực nhà nào thì chủ động trồng và chăm sóc cây xanh, thảm hoa ở đó.

Ông PHẠM VĂN TỴ và ông PHẠM VĂN THÀNH cho hay, bà con luôn chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng để người dân hiểu rồi đi đến đồng thuận thì cần có sự kết nối. Do đó, trong vai trò được giao, hai giáo dân sẽ tiếp tục thể hiện vai trò cầu nối giữa nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo với chính quyền địa phương.

Với những khu bà con sống tập trung, như tại tổ 2 và 6, ông vận động đóng góp 110 triệu đồng làm đèn đường chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với chiều dài 1,3km. Ở nơi nhà dân thưa thớt, ông khuyến khích bà con tự kéo dây điện, lắp bóng đèn chiếu sáng ban đêm đầu cổng. Gia đình nào có điều kiện thì tùy vào khả năng có thêm lắp đèn chiếu sáng nhiều hơn ở khu vực phía trước nhà hoặc lân cận nhằm đảm bảo việc đi lại của con em, hạn chế trộm cắp vào ban đêm.

Điểm đáng chú ý là trong quá trình vận động nhân dân đóng góp, gia đình nào khó khăn chưa thể hoàn thành trách nhiệm chung, ông Tỵ là người đóng choàng hoặc cho mượn tiền đóng trước trả sau.

* Gắn kết người dân bảo vệ môi trường 

Tương tự, thời gian qua ông Phạm Văn Thành, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Dzui (xã Túc Trưng, H.Định Quán) cùng ban ấp đã có nhiều nỗ lực trong vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các đơn vị tài trợ quan tâm đến người khó khăn ở địa phương. Ngay tại chương trình Họp mặt và biểu dương cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (1930-2023) diễn ra ngày 17-11 vừa qua tại TP.Biên Hòa, ông Thành cũng tiếp xúc với các đại biểu, người được tuyên dương để chia sẻ về hoàn cảnh sống của những người khó khăn trong ấp, xây dựng mối liên hệ với người tham gia chương trình.

Ông Thành cho hay, ấp có 360 gia đình, trong số này có 120 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, 120 hộ là đồng bào có đạo. Địa bàn ấp rất rộng, nhiều khu vực rẫy ruộng, hầu hết các gia đình sống tại nơi sản xuất nông nghiệp nên khoảng cách từ nhà này đến nhà kia khá xa. Nhiều trường hợp trong ấp hoàn cảnh sống khó khăn, nhất là những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Để trợ giúp cho những trường hợp này, ông cùng ban ấp tích cực vận động quà hỗ trợ bà con. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có gần 500 phần quà được chuyển đến hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn.

Một việc làm nổi bật khác của ông Thành là kết nối người dân chung tay bảo vệ môi trường sống. Theo ông Thành, 8 năm đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp là chừng đó thời gian ông vận động nhân dân xây dựng mô hình đẹp nhà, sạch ngõ.

Ông Thành cho hay, ấp có nhiều khu vực vườn tràm ít người lui tới, những vườn cao su chạy dài vắng người, rồi các suối nhỏ chảy qua. Trước đây, khi có rác, nhất là động vật chết, bà con trong ấp cũng như khu vực lân cận lại lén đem đến đổ trộm, gây nghẽn dòng chảy của suối và mương nước. Khi rác phân hủy gây mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến người dân.

Từ thực tế đó, thông qua các buổi kết hợp tuyên truyền với chính quyền địa phương, chức sắc, chức việc tôn giáo, ông vận động rồi thống nhất thành quy ước với bà con về việc xử lý rác thải. Theo đó, nhà nào nằm trên tuyến đường xe thu gom rác chạy qua thì đăng ký để đổ rác. Nơi nào dịch vụ công ích chưa đến làm dịch vụ thì mỗi nhà đào hố trong khu vực vườn nhà mình để chủ động thu gom rồi xử lý.

Đi đôi với xử lý rác sinh hoạt, ông Thành còn khuyến khích bà con trồng, chăm sóc thảm cỏ, cây xanh phía trước mỗi gia đình. Nhờ vậy mà thời gian qua, vấn đề rác thải đã có nhiều chuyển biến tích cực, cảnh quan ở ấp cũng ngày một tốt hơn.

S.T