"Cầu nối" giữa ý Đảng với lòng dân ở Bông Lar

(Mặt trận) -Vừa là đảng viên, vừa là người có uy tín, nhiều năm qua, già Pih (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của người dân làng Bông Lar.

'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đakrông (Quảng Trị): Phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 Già Pih (bên phải) trao đổi với Bí thư Chi bộ làng Bông Lar về công tác phòng-chống dịch Covid-19.

Già Pih từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch HĐND xã Ia Băng. Vì vậy khi nghỉ hưu về làng, ông được người dân tín nhiệm trong vai trò người có uy tín. Năm 2019, khi 2 làng Ia Hét và Bông Lar sáp nhập thành làng Bông Lar, ông trở thành “điểm tựa tinh thần” của bà con nơi đây. Nghe ông nói, nhìn ông làm, người dân luôn thấy yên tâm, tin tưởng. Bằng sự hiểu biết và uy tín của mình, ông giúp người dân dần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh… Ông kể: Những năm trước, tình trạng mâu thuẫn, xích mích trong làng vẫn còn phổ biến, cứ vài ngày ông tham gia hòa giải 1 vụ. Khi thì vợ chồng đòi bỏ nhau; có lúc là anh em, họ hàng mâu thuẫn chuyện đất đai, ruộng vườn. Dù chuyện lớn hay nhỏ, ông đều đến tận nơi, ngồi nghe đôi bên trình bày rồi bằng hiểu biết, kinh nghiệm, uy tín, ông hòa giải nhẹ nhàng, thấu đáo. Ông cho rằng, chuyện nhỏ nếu không giải quyết ổn thỏa sẽ thành chuyện lớn. Có thể ban đầu chỉ là chuyện vợ chồng, sau sẽ thành chuyện 2 bên gia đình, rồi chuyện 2 dòng họ.

Bà Maih cho hay: “Già Pih làm cán bộ nhiều năm nên hiểu biết nhiều, nói người dân nghe, dân theo. Mâu thuẫn trong làng mà có ông tham gia hòa giải là đều thành công, hai bên bắt tay nhau, uống rượu làm hòa”. Khi tham gia hòa giải các sự việc ông luôn phân tích dựa trên sự hài hòa giữa luật pháp và hương ước, quy ước của làng. Dẫn chứng điều này, già Pih cho hay: Trước đây, trong làng có trường hợp anh em kiện tụng lẫn nhau vì bố mẹ phân chia đất đai không đều. Cùng với kiến thức pháp luật, ông viện dẫn phong tục tập quán của người Jrai chia tài sản con út thường được nhiều hơn. Do con út ở cùng bố mẹ, chịu trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi về già. Còn các anh, chị lập gia đình, ở riêng sẽ chia đều nhau nhưng ít hơn. Trước lý lẽ chặt chẽ, thấu đáo, có lý có tình của ông, anh em hiểu ra vấn đề, thông cảm cho nhau và bỏ qua hết hiềm khích, xích mích.

Tương tự, cách đây 2 tháng, ông cũng giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn giữa 2 gia đình là sui gia của nhau. Nguyên nhân cả 2 gia đình đều muốn vợ chồng trẻ phải về ở với mình. Không thống nhất được việc này nên hai bên bắt đôi trẻ phải… thôi nhau. Nắm bắt sự việc, già Pih đã mời hai bên gia đình cùng ngồi lại, phân tích để họ hiểu không nên vì mâu thuẫn nhỏ mà dẫn đến việc làm sai. Bắt ép con cái phải bỏ nhau là không đúng. “Hiểu ra vấn đề, hai bên gia đình bắt tay xin lỗi nhau và cùng uống rượu làm hòa. Mà theo phong tục của người Jrai, chỉ khi mâu thuẫn được giải quyết hai bên mới có thể ngồi cùng nhau uống rượu”-già Pih nói.

Nhờ vai trò người có uy tín của già Pih, xích mích, mâu thuẫn trong làng giảm rõ rệt. Có khi vài tháng già Pih không phải tham gia vụ hòa giải nào. Người dân trong làng cũng chịu khó làm ăn, đời sống dần được cải thiện. Đến nay, làng chỉ còn 7 hộ nghèo trong tổng số 380 hộ dân. Một số hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, lễ hội đã được xóa bỏ. Theo ông Trần Hữu Chiến-Bí thư Chi bộ làng Bông Lar thì những thay đổi trong đời sống của người dân làng Bông Lar đều có “bóng dáng” của già Pih.

Không chỉ giúp dân xóa bỏ các hủ tục, già Pih còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới. Bí thư Chi bộ làng Bông Lar-nói: “Trước đây, người dân thường làm chuồng bò trước nhà. Bây giờ tất cả đều di dời ra xa nơi ở, tránh nguồn nước. Một số gia đình điều kiện kinh tế khá giả còn làm chuồng trại kiên cố, dọn rửa thường xuyên. Hầu hết hộ dân trong làng đã làm hàng rào quanh nhà, quanh vườn. Người dân cũng trồng hoa hai bên đường, thường xuyên vệ sinh đường làng sạch sẽ”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, già Pih luôn theo dõi, nắm chắc tình hình và tích cực tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng-chống dịch. Ông Lê Văn Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-khẳng định: “Già Pih là cán bộ nghỉ hưu, là đảng viên, người có uy tín nên rất được dân làng tín nhiệm. Nhiều năm qua, ông đã phát huy tốt vai trò, tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bảo vệ buôn làng. Giai đoạn 2018-2020, ông là người có uy tín duy nhất của xã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”.

HUY  ANH