Cầu nối giữa Đảng với dân

(Mặt trận) -Luôn nỗ lực không ngừng, đồng lòng chung sức làm đẹp cho đạo, làm tốt cho đời, các vị chân tu, chức sắc tôn giáo ở Sóc Trăng đang là "cầu nối" giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, hình thành cộng đồng đoàn kết dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Hòa thượng Thích Minh Hạnh trao 100 triệu đồng do Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 35,44% dân số, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30,19%; dân tộc Hoa chiếm 5,22%; các dân tộc khác chiếm 0,036%. Toàn tỉnh có 130 cơ sở thờ tự; trong đó có 92 chùa và 38 salatel với 1.869 vị sư sãi đang tu học, 1.326 thành viên ban quản trị và 362.029 phật tử. Tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống luôn được duy trì theo phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Hòa thượng Tăng Nô, Phó Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Kh’leng cho biết, chùa Kh’leng có niên đại gần 500 năm, đã qua 20 đời trụ trì, các vị luôn thể hiện tốt truyền thống đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc. Qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhà chùa là nơi nuôi chứa cán bộ và lưu giữ tài liệu bí mật của cách mạng nên được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý của Nhà nước. Trong các buổi sinh hoạt thuyết pháp hay tiếp xúc với khách thăm chùa, Hòa thượng giảng giải mạch lạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngôi chùa còn là nơi để phật tử lui tới trò chuyện, đọc sách báo hay tham vấn ý kiến các vị sư để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Hằng năm, Hòa thượng Tăng Nô còn phối hợp cán bộ khuyến nông để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhằm tăng năng suất đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Ngoài ra, Hòa thượng còn tiếp nhận 50 cháu và giúp đỡ người già neo đơn không nơi nương tựa được ăn ở tại chùa, nhận phụng dưỡng trọn đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; vận động đồng bào, phật tử đóng góp được hàng trăm triệu đồng để xây nhà tình thương cho người nghèo; cứu trợ bão lụt, xây dựng cầu, làm đường giao thông nông thôn, phòng, chống dịch Covid-19... Mới đây, Hòa thượng Tăng Nô tiếp tục được suy cử làm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2022-2027.

Người dân Sóc Trăng biết đến Hòa thượng Thích Minh Hạnh không chỉ là vị chân tu mà còn tích cực trong các hoạt động xã hội. Trụ trì một ngôi chùa ở vùng sông nước, người dân đi lại khó khăn, Hòa thượng đã vận động xây dựng 450 cây cầu bê-tông cốt thép với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng; xây dựng 250 căn nhà cho người nghèo, hỗ trợ học bổng, xe đạp, xe lăn, đóng cây nước, khám và điều trị bệnh miễn phí, nấu cơm, cháo từ thiện, cấp phát áo quan, tặng tiền, quà, nhu yếu phẩm... với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.

Ngoài các cơ sở thờ tự, Sóc Trăng còn có 31 nhà thờ, 20 nhà nguyện, khoảng 64.000 giáo dân, 55 linh mục đang làm việc mục vụ ở các họ đạo và khoảng 100 tu sĩ tại Hội Dòng Mến Thánh giá và Cộng đoàn Chúa Quan phòng. Bên cạnh việc tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, các giáo dân đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh trật tự và xây dựng khu dân cư văn hóa trong các họ đạo. Đơn cử như huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có hơn 3.100 giáo dân. Nhờ tích cực giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho nên nhiều năm nay, 100% số hộ gia đình công giáo ở Long Phú đều được công nhận gia đình văn hóa, các khu dân cư có nhiều người theo đạo sinh sống đều được công nhận khu dân cư văn hóa.

Những năm qua, hơn 600 vị chân tu, chức sắc tôn giáo có uy tín trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu như các mô hình: "Địa chỉ nhân đạo", "Bếp ăn từ thiện", "Nhịp cầu yêu thương", "Họ đạo tự phòng, tự quản"… Nhiều tấm gương điển hình đã được tôn vinh như: Hòa thượng Thạch Sông, Thượng tọa Lý Đức, Ni trưởng Thích nữ Huệ Liễu, Sư cô Thích nữ Như Liên, Thượng tọa Thạch Phô, Linh mục Trần Văn Liên, Linh mục Võ Phương Bình… Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhận định: các vị chân tu, chức sắc tôn giáo có uy tín đã cùng các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, cùng nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh-quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn.

N.P