"Cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền và đồng bào Công giáo

(Mặt trận) -Những năm qua, với vai trò là Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Kim Sơn, ông Phạm Ngọc Hợi (xóm 6, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) luôn làm tốt công tác vận động bà con giáo dân tuân thủ pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời là "cầu nối" đem những tâm tư, nguyện vọng của bà con đến cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Ông Hợi (áo trắng) đến vận động, tuyên truyền hộ giáo dân tại xã Kim Định, huyện Kim Sơn.

Trên cương vị là Trưởng ban Đoàn kết Công giáo, ông Hợi luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Ông khẳng định: Muốn bà con giáo dân tin và làm theo, trước tiên mình phải gương mẫu đi đầu.

Chính từ suy nghĩ đó đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, đó là việc gia đình ông Hợi ủng hộ kinh phí, ngày công và tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường bao để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, gia đình ông còn tích cực hưởng ứng phong trào trồng hoa, cây xanh, giữ gìn vệ sinh do Hội Phụ nữ xã phát động, qua đó tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Ông Hợi cho biết thêm: Khi mình đã gương mẫu đi đầu thì cần phải vận động, tuyên truyền cho bà con giáo dân hiểu. Trong việc vận động, tuyên truyền cần khéo léo và phải thực hiện thường xuyên. Nơi đâu cũng có người khó và người dễ tính, người đã hiểu và người chưa hiểu. Với những người chưa hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mình cần từ từ giải thích, phân tích cho họ hiểu. Khi nhận ra điều đúng, ắt bà con sẽ nghe theo.

Có thể nói, sự thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Sơn nói chung và xã Kim Định nói riêng, có một phần không nhỏ đóng góp của ông Hợi. Điển hình tại xã Kim Định là tuyến đường bờ sông Dục Đức, nối liền thôn 6 và thôn 7. Trước đây tuyến đường này chỉ rộng khoảng 2m, gập ghềnh sỏi đá gây khó khăn cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân. 

Trước chủ trương xây mới tuyến đường theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, ông Hợi cùng Ban công tác mặt trận xã Kim Định đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là bà con giáo dân sinh sống cạnh tuyến đường. Nhờ đó, tuyến đường đã được mở rộng 4,5m với nền bê tông kiên cố.

Ông Phạm Văn Tâm, hộ dân tại xóm 6, xã Kim Định cho biết: Được sự vận động của bác Hợi, gia đình tôi nhận thức rõ ý nghĩa của việc mở rộng tuyến đường. Từ đó gia đình tích cực tham gia như ủng hộ tiền của, ngày công, hiến đất làm đường. Khi tuyến đường hoàn thành, các hộ gia đình trong xóm còn tự nguyện góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, mua bồn cây, bồn hoa để trang trí. Giờ đây, tuyến đường đã trở thành kiểu mẫu của cả xã.

 Lãnh đạo xã Kim Định tham quan mô hình trồng đào Tết của gia đình ông Hợi.

Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm với công tác xã hội, ông Hợi còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông là một trong những "lão làng" của nghề trồng đào Tết tại xã Kim Định. Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù, sáng tạo, ông đã tạo ra nhiều cây đào thế đẹp, hội tụ đủ các yếu tố thẩm mỹ. 

Nhờ đó, trung bình mỗi năm gia đình ông cung ứng ra thị trường từ Bắc vào Nam gần 300 cây đào Tết các loại, thu về khoảng 80 triệu đồng tiền lợi nhuận. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông còn tích cực chuyển giao kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào cho bà con nhân dân địa phương. 

Theo đồng chí Hoàng Văn Tuệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Định cho biết: Gia đình ông Hợi là hộ trồng đào Tết lâu năm của xã nên có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nhiều hộ dân được ông Hợi chỉ dạy đã thành công trong việc trồng đào Tết, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Từ đó góp phần phát triển nghề trồng đào tại xã Kim Định, giúp đời sống người dân thêm sung túc.

Với những đóng góp của ông Phạm Ngọc Hợi trong hơn 10 năm đảm nhiệm Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Kim Sơn, có thể khẳng định, ông xứng đáng là "cầu nối" vững chắc giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào Công giáo. Góp phần quan trọng trong việc phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là mối đoàn kết lương giáo để cùng chung tay xây dựng cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc, quê hương Kim Sơn ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

T.H