Cầu nối của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Đồng Bả

(Mặt trận) -Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Đồng Bả, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, bà Lăng Thị Leo đã trở thành cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Nhờ đó, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Bà Lăng Thị Leo là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Bả, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. 

Trong gần 30 năm gắn bó với công tác xã hội của thôn, xã với vai trò là người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, bà Lăng Thị Leo thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; đi đầu trong việc giữ gìn, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà Leo nhiều lần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn đến trực tiếp đến nhà người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng rãnh thoát nước thải ở khu dân cư…

Trong vận động xây dựng nông thôn mới, gia đình bà Leo đã gương mẫu hiến gần 300 m2 đất để làm đường giao thông nội đồng, tham gia ngày công, đóng góp tiền để xây dựng các thiết chế văn hóa của thôn. Đến nay, đường làng, ngõ xóm của thôn Đồng Bả đều được bê tông hóa; đã cải tạo sửa chữa, xây dựng mới được hơn 1 km rãnh thoát nước thải trong khu dân cư.

Thôn Đồng Bả hiện có gần 300 nhân khẩu, trong đó, có gần 50% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trước đây, đời sống của người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn không thuận lợi, nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà vẫn còn tồn tại.

Trước thực tế đó, bà Leo tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, đề ra những giải pháp thiết thực, giúp người dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế; vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều hộ xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao.

Không chỉ tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất, hòa giải, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn ở thôn, bà Lăng Thị Leo còn có nhiều đóng góp vào hoạt động giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của người dân tộc Sán Dìu.

Bà đã trực tiếp giải thích, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào không tảo hôn, không tổ chức đám cưới rườm rà, nhiều thủ tục; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, kỷ niệm ngày truyền thống...theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; bài trừ tệ nạn ma túy; không nghe theo luận điệu tuyên truyền của các thế lực phản động…

Bà Leo chia sẻ: “Để vận động được nhân dân, bản thân tôi xác định mình phải là những người làm gương thực hiện trước, có như vậy, bà con mới tin tưởng làm theo”.

Bà Leo còn cùng chồng tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, kinh doanh tạp hóa, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và nuôi dạy 6 người con ăn học trưởng thành. Gia đình bà nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn Lâm Thanh Hà cho biết: "Với vai trò người có uy tín, bà Lăng Thị Leo là tấm gương tiêu biểu vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nhất là nêu cao tinh thần cảnh giác, tham gia đấu tranh với các phần tử xấu, góp phần giữ gìn sự bình yên và xây dựng ở thôn, bản vững mạnh”.

Diệu Linh