"Cầu nối" chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại Thành phố đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cơ sở tôn giáo đã tích cực làm "cầu nối" để các tín đồ, đồng bào chung tay bảo vệ môi trường, xanh hóa môi trường sống thông qua những hoạt động cụ thể như tuyên truyền, vận động ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động vì môi trường

Trước thực trạng ô nhiễm kênh rạch, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn... gây ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân và mỹ quan đô thị, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu triển khai chương trình "Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030" và cuộc vận động "Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường".

 Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường và trên 30 tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp "Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026". Mục tiêu của chương trình phấn đấu đến hết năm 2026 có 100% chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn thành phố được tiếp cận thông tin và tích cực hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…

Chương trình phối hợp sẽ phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, các tín đồ đóng góp tích cực vào việc triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030; Kế hoạch xây dựng Thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 19/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch…

Ngoài ra, Chương trình cũng nhằm nâng cao công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam; các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát hiện, phản ánh các điểm đen môi trường và tố giác hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Triển khai nhiều mô hình hiệu quả

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, đến hết tháng 11.2023, đã có 112 mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, phật giáo có 74 mô hình; công giáo có 23 mô hình; câu lạc bộ môi trường của khu dân cư quận, huyện có 4 mô hình; cao đài có 3 mô hình; hồi giáo có 2 mô hình; tịnh độ cư sĩ có 2 mô hình; các cơ sở tôn giáo có 1 mô hình: Minh Lý Đạo, Phật giáo Hòa Hảo, Hội quán, Minh Sư đạo.

Các tổ chức tôn giáo tiếp tục đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào hiến chương, điều lệ và chương trình hoạt động hàng năm, những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo. Các mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình như mô hình "Khu dân cư - Họ đạo không rác", "Giáo họ xanh, sạch, đẹp" (Quận 4, 8, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp); mô hình thanh, thiếu niên phật tử dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khuôn viên bên trong, trước cổng chùa và nhà sạch sẽ, gọn gàng…

Mặt khác, nhiều hoạt động đã được xây dựng như vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo; vận động các tín đồ tôn giáo và Nhân dân không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại hay thực hiện quy trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại, bị cấm trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm; phân loại, thu gom rác thải từ nguồn và tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ...

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình Huỳnh Văn Bé mong muốn, các cơ sở tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc tổ chức nhân rộng và tiếp tục vận động các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo xây dựng công trình, mô hình cùng tham gia hưởng ứng thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2023 - 2025. Tiếp tục, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình sinh hoạt tín ngưỡng thường kỳ để bà con tín đồ tôn giáo nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng dân cư.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp của thành phố sẽ cùng với các ngành chức năng tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.

Nguyễn Thanh