Cao Bằng: Nâng cao vai trò của người có uy tín trong cộng đồng

(Mặt trận) -Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò làm cầu nối giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở với người dân; có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có đông đồng bào DTTS sinh sống và làm ăn, hiện tỷ lệ người DTTS chiếm 94,88%. Những NCUT là “cánh tay nối dài” giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động,  phong trào thi đua trong vùng đồng bào DTTS; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc... 

Hiện tỉnh có 1.462 NCUT, trong đó, DTTS có 1.441 người, chiếm 98,56%. Họ là những già làng, trưởng thôn bản, cán bộ nghỉ hưu, thầy mo, thầy cúng, chức sắc tôn giáo, người sản xuất, kinh doanh giỏi... gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú; là những người có ảnh hưởng, được đồng bào dân tộc suy tôn, tín nhiệm tự nguyện hoặc bằng sự ràng buộc của phong tục tập quán dân tộc trong những mức độ và phạm vi nhất định. Họ thường được đồng bào tìm đến để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tranh thủ ý kiến giải quyết các vấn đề của bản thân, gia đình và xã hội. 

Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS. Việc thực hiện chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm và kịp thời chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Ngoài chính sách theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2022/KH-UBND ngày 29/6/2017 về việc thực hiện Quyết định 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS” trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn động viên to lớn để NCUT phát huy tốt vai trò của mình, tích cực, trách nhiệm đối với cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương.

 Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng tặng chăn ấm cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tự Do (Quảng Hòa).

Từ năm 2021 - 2023, các ngành, các cấp tổ chức 21 hội nghị tập huấn cho 1.270 lượt NCUT; 31 hội nghị cung cấp thông tin thời sự cho 2.866 NCUT; cung cấp 1.198.539 tờ báo Dân tộc Phát triển và báo địa phương. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà NCUT nhân dịp Tết Nguyên đán 20 cuộc, tặng 2.923 suất quà cho NCUT; thăm hỏi, hỗ trợ 193 NCUT bị ốm đau; thăm viếng, động viên khi NCUT, thân nhân 31 gia đình NCUT qua đời. Tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh 2 cuộc cho 93 NCUT; tham quan, học tập trong tỉnh 9 cuộc cho 623 NCUT. Các huyện tổ chức 3 hội nghị biểu dương, khen tặng 55 NCUT; 4 cuộc khen thưởng 218 NCUT. 

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đã khích lệ, động viên người có uy tín tiếp tục phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình tại địa phương. Qua đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt được thành tựu đáng kể theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với đồng bằng, góp phần đưa cả tỉnh phát triển ngày càng bền vững. Năm 2022 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5,04%; GRDP bình quân đạt 40,2 triệu đồng/người; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích (ha) đạt 44 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,13%, đạt 103% theo kế hoạch đề ra; số xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí nông thôn mới tăng 5 xã, đạt 100% kế hoạch; số hộ đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở đạt 100% kế hoạch...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương và trình độ dân trí người dân một số nơi chưa đồng đều, địa bàn sinh sống còn nhiều khó khăn; chế độ chính sách cho NCUT đã có sự quan tâm nhưng còn hạn chế...

Nhằm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của NCUT trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương trong việc phát huy nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với NCUT. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hội nghị cung cấp thông tin thời sự; thực hiện cung cấp các tờ báo, tạp chí cho NCUT; tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm về các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự để nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng hoạt động, cập nhật kiến thức, thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của NCUT.

Tạo điều kiện cho NCUT tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh... Đẩy mạnh nêu gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng những NCUT có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh.

Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng