'Cán cân' điều chỉnh các mối quan hệ cộng đồng

(Mặt trận) - Những đảng viên là già làng, trưởng bản, người có uy tín ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) được ví như những cánh tay nối dài của Bộ đội Biên phòng trong nhiệm vụ an ninh trật tự, đoàn kết hữu nghị vùng giáp biên. Đồng thời, họ còn đóng góp tích cực cho cộng đồng trong việc xây dựng bản làng bình yên, ấm no.

Đồng Sơn vươn mình

Đakrông, điểm sáng về xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên gặp gỡ, biểu dương các điển hình tiên tiến trong các tổ chức tôn giáo năm 2024

Khu đất già làng Quỳnh Rêh hiến để xây trường mẫu giáo.

Những năm gần đây, huyện miền núi A Lưới đã có những bước chuyển mình vươn lên phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày một được nâng lên. Có được kết quả ấy có phần đóng góp của các đảng viên là những già làng, trưởng bản nơi đây.

Già làng Quỳnh Rêh ở bản A Đeeng Par Lieng 2, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, năm nay đã 91 tuổi, với 49 năm tuổi đảng nhưng vẫn còn rất tinh tường. Là một đảng viên, nên ông có nhận thức rất rõ việc “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, để bà con tin tưởng, noi theo.
Già Quỳnh Rêh kể rằng, năm 2005, khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Bắc Sơn hoàn thành, ông đã bàn bạc với 3 người em ruột, tự nguyện hiến phần đất của gia đình để mở con đường dài 700m, rộng 2,5m nối từ đường Trường Sơn vào khu dân cư để bà con trong vùng đi lại thuận tiện mỗi khi lên nương rẫy mưu sinh. Không chỉ hiến đất mở đường, già làng Quỳnh Rêh còn tự nguyện hiến luôn khu đất trồng keo của gia đình để xây trường học mẫu giáo.

Ông Lê Văn Nghiêu- Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết, trường mẫu giáo của xã xuống cấp nghiêm trọng. Khi cán bộ xã đến trình bày, nếu không có mặt bằng xây trường mới, nguồn vốn ngân sách sẽ được huyện chuyển cho nơi khác. Không chút đắn đo, già Quỳnh Rêh đã tự nguyện hiến luôn cả khu đất trồng keo gần nhà và còn vận động người thân gần đó cùng hiến đất xây trường.

Cũng theo ông Nghiêu, nhờ già làng Quỳnh Rêh tiên phong hiến đất làm đường, xây trường học mà thời gian qua, địa phương đã huy động người dân tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hiến tặng trên 5ha đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, 100% hộ dân ở xã đều có đường bê tông từ đường liên thôn vào tận nhà.

A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế có tuyến biên giới dài 84km, tiếp giáp với nước bạn Lào, phần lớn nằm dọc các dãy núi hiểm trở, nên nơi đây luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, mua bán, vận chuyển ma túy... Thời gian qua, cùng với Bộ đội Biên phòng, nhiều người dân ở đây là trưởng bản, người có uy tín đã trở thành nòng cốt trong công tác xây dựng quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ.

Đại tá Lê Văn Nguyên- Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín tại huyện A Lưới như những cánh tay nối dài của Bộ đội Biên phòng trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên biên giới.

“Đến thời điểm này 100% hộ gia đình ở thôn A Niêng đều tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc. Hàng tháng các tổ tự quản thay phiên nhau, phối hợp với tổ công tác biên phòng tuần tra dọc đường biên, cột mốc. Có được kết quả như hôm nay là nhờ sự giúp sức rất lớn của những già làng, trưởng bản đã cùng với Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới”- Đại tá Lê Văn nói.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, 99 già làng, người có uy tín tiêu biểu tại địa phương chủ yếu là đồng bào các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều, không chỉ phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân mà còn làm tốt công tác tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với nhân dân.Tiếng nói của các già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.