Các tôn giáo TP Hải Phòng sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động tôn giáo - tín ngưỡng tại Hải Phòng vô cùng sôi nổi, các tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo tại TP. Hải Phòng đã có nhiều đóng góp trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Mối quan hệ giữa tôn giáo với chính quyền địa phương và giữa các tôn giáo với nhau ngày càng cởi mở, tốt đẹp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

Quảng Ngãi: Thăm, chúc mừng các tổ chức, chức sắc nhân dịp lễ Phục sinh 2024

Những năm qua, đồng bào có đạo tại TP. Hải Phòng đã phát huy tình đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động từ thiện nhân đạo, vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt, đồng bào luôn phối hợp tốt với chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề tín ngưỡngtôn giáo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trên địa bàn TP. Hải Phòng.

 Lãnh đạo thành phố Hải Phòng tặng hoa chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố nhân dịp Lễ Phật Đản 2565 - Dương lịch 2021.

Theo thông tin từ Ban Tôn giáo, toàn TP. Hải Phòng có tổng cộng 739 cơ sở tôn giáo, với 478 chức sắc, gần 1.400 chức việc và trên 41 vạn tín đồ, chiếm 21% số dân toàn thành phố. Trong số 739 cơ sở tôn giáo tại TP. Hải Phòng, có khoảng 64% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả các cơ sở được tạo điều kiện trong tu bổ, xây dựng các công trình liên quan đến sinh hoạt tôn giáo.

Cộng đồng tôn giáo tích cực bảo vệ môi trường

Tôn giáo là đức tin, với số lượng tín đồ chiếm 21% dân số Hải Phòng, có thể nói đây là lực lượng cơ hữu, là nhân tố lòng cốt để tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vào đời sống, trong đó, công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển bền vững.

Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 (do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở TN&MT cùng các tổ chức tôn giáo phối hợp thực hiện), ông Đỗ Tràng Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng cho biết, các hoạt động của Chương trình đã có những kết quả tích cực.

 Tăng ni, phật tử tại Chùa Hang tham gia bảo vệ môi trường

Theo ông Đỗ Tràng Thành, ngay sau khi ký kết Chương trình phối hợp cấp thành phố tại quận Đồ Sơn (tháng 7/2016), nhiều địa phương đã tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các thôn, tổ dân phố, các cơ sở tôn giáo, hộ gia đình qua nhiều nội dung và tiêu chí cụ thể. Quá trình triển khai, nhiều mô hình điểm được xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Các giá trị tốt đẹp và tình đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh cùng các hoạt động vệ sinh môi trường ở thôn, tổ dân phố, khu dân cư được thực hiện đúng theo quy định các hình thức, biện pháp thu gom, phân loại rác thải. Việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng được thực hiện tự quản, thường xuyên…

Qua Chương trình phối hợp, ý thức bảo vệ môi trường thực sự đã được lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Tại các cơ sở tôn giáo, bảo vệ môi trường được xem là một quan điểm chuẩn mực, với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Hành động bảo vệ môi trường được coi là nhân tố bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của các tín đồ.

Nhiều hoạt động tôn giáo lớn đã diễn ra thành công như: Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XIV năm 2019, Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XVI 2018... khẳng định TP. Hải Phòng luôn tạo điều kiện để các tôn giáo phát triển, cùng chung tay đoàn kết, xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại và là điểm đến an toàn, thân thiện.

Chung tay xây dựng Nông thôn mới

Các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, người thực hành tín ngưỡng trên địa bàn Hải Phòng trong những năm qua đã thể hiện tốt trách nhiệm công dân, phát huy tốt vai trò của các tôn giáo trong hoạt động bầu cử, tích cực tham gia bỏ phiếu, thể hiện rõ nét trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào tháng 5 vừa qua.

 Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XVI do Giáo phận Hải Phòng đăng cai tổ chức.

Thống kê từ các cơ quan chức năng của TP. Hải Phòng cho thấy, có tổng cộng 133 chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo, Công giáo, Cao đài tham gia ứng cử đại biểu HĐND, kết quả có 82 người trúng cử HĐND các cấp.

Chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới tại Hải Phòng, nhiều tín đồ Phật giáo, Công giáo đã có đóng góp to lớn trong việc hiến đất làm đường nông thôn. Tiêu biểu có thể kể đến là bà con giáo dân tại Giáo xứ Cựu Điện, Tiên Am, Nam Am (thuộc huyện Vĩnh Bảo), Giáo xứ Xâm Bồ (phường Nam Hải, quận Hải An), Giáo xứ Đông Côn, Đông Xuyên (thuộc huyện Tiên Lãng), Giáo xứ Hữu Quan (xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng)…

Chủ tịch UBND phường Nam Hải - Nguyễn Văn Quang (quận Hải An, Hải Phòng) cho biết, trong quá trình nâng cấp mở rộng đường 191 tại phường đã nhận được sự ủng hộ, giúp sức của hàng chục bà con theo đạo Công giáo tại đây. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Minh đã hiến gần 50m2 đất thổ cư cho chính quyền mở rộng đường.

Hay như Hợp tác xã Hồng Hải, các thành viên chủ yếu theo đạo Công giáo, Hợp tác xã hoạt động tại nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau như: Khai thác, chế biến, kinh doanh thủy, hải sản... Đây là đơn vị có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế tập thể của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động, từng bước đưa kinh tế hộ phát triển.

Lễ trao 500 phần quà từ thiện tại Chùa Hang, khu I, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng 

Mới đây, Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đây có thể coi là sự quan tâm rất lớn của thành phố đến các tổ chức tôn giáo - tín ngưỡng, khẳng định vai trò không thể thiếu của các tổ chức tôn giáo - tín ngưỡng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ghi nhận, các tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo tại Hải Phòng đánh giá cao sự quan tâm, tạo điều kiện trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền Hải Phòng. Ông Lê Văn Tự - một thương binh hạng 4/4 ở xóm 4, phường Nam Hải phấn khởi cho biết: "Đời sống của bà con giáo dân chúng tôi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Là thương binh, dịp lễ, Tết, tôi đều được lãnh đạo các cấp chính quyền thăm nom, tặng quà, mọi sinh hoạt tôn giáo của chúng tôi đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện phát triển".

Hải Phòng hiện có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin Lành. Trong đó, 6 hệ phái Tin Lành đã được Nhà nước công nhận pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, có khoảng 71 điểm nhóm Tin Lành tư gia, thuộc 15 hệ phái với gần 3.000 tín đồ, trong đó có 23/71 điểm, nhóm Tin Lành đã đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, toàn TP. Hải Phòng có 1.143 cơ sở tín ngưỡng và di tích các cấp, trong đó có 1.081 cơ sở tín ngưỡng chưa xếp hạng. Hải Phòng hiện có 41 dân tộc anh em sinh sống.

Lan tỏa các hoạt động thiện nguyện

Cùng với các hoạt động xã hội, công tác từ thiện của các tổ chức tôn giáo tại Hải Phòng cũng diễn ra sôi nổi, dưới nhiều thể thức, quy mô tùy theo điều kiện.

Có thể kể đến một một số hoạt động từ thiện tiêu biểu tới người có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 như: Chương trình phát 1.000 suất quà từ thiện tại Chùa Hàng, quận Lê Chân, mỗi suất gồm 5kg gạo và 1 gói mì chính 1kg, tương đương hơn 5,4 tấn gạo (17/4/2020); Chùa Hưng Long trao 520 phần quà từ thiện, mỗi phần quà trị giá hơn 300 ngàn đồng, bao gồm 10kg gạo ngon và 5 lít dầu ăn với tổng giá trị gần 160 triệu đồng (30/5/2020); hay Chương trình trao 500 phần quà từ thiện với giá trị hơn 200 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm chất độc dioxin, trẻ em khiếm thính, khiếm thị tại chùa Hang, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn.

 Ban Trị sự Phật giáo quận Dương Kinh đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Dương Kinh tổ chức khởi công xây dựng Nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Nội với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

Trong dịp Lễ Phật Đản 2565 - Dương lịch 2021, Trị sự Phật Giáo quận Dương Kinh đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Dương Kinh tổ chức khởi công xây dựng nhà tình nghĩa với tổng kinh phí khoảng gần 200 triệu cho gia đình bà cho gia đình bà Trần Thị Nội, thuộc diện đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, đang mắc căn bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động.

Chính quyền đồng hành hỗ trợ

Ông Dương Ngọc Anh - Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hải Phòng cho biết, với vai trò là cầu nối giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp và giữa các tôn giáo với nhau, Ban Tôn giáo đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp thu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, các nhu cầu, cũng như khó khăn của các tín đồ, chức sắc các tôn giáo để từ đó cùng với các cấp, ngành có liên quan kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

TP. Hải Phòng đã cấp mới hàng chục nghìn m2 đất để các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự. Gần đây nhất là Giáo họ Vạn Chài thuộc giáo xứ Vạn Hạnh (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã được giao 1.300mđất để cho bà con giáo dân xây dựng nhà thờ. Hiện tại nhà thờ đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, bà con giáo dân nơi đây vô cùng phấn khởi, mối quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức tôn giáo tại Hải Phòng ngày càng được củng cố tốt đẹp, cởi mở, chân tình. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng, cải tạo khang trang.

Cùng với đó, qua hoạt động cầu nối của Ban Tôn giáo, giữa các tôn giáo tại Hải Phòng đã có nhiều hoạt động giao lưu, tạo sự gắn kết bền chặt. Mọi ngày lễ, sự kiện quan trọng của tôn giáo bạn diễn ra đều được người đứng đầu các tôn giáo còn lại, cùng Ban Tôn giáo TP. Hải Phòng đến chúc mừng, chia sẻ. Ví dụ, Đại Lễ Phật Đản của Phật giáo diễn ra vào dịp tháng 4 âm lịch hàng năm luôn được quý Cha, quý Thầy bên Công giáo tới chúc mừng, và ngược lại vào các dịp lễ, Noel... của người Công giáo thì các Hòa Thượng, các thầy trong Ban Trị sự Phật giáo luôn cử đại diện tới chia vui, chúc mừng.

Phạm Duy