Các tôn giáo tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước

(Mặt trận) -Quảng Trị có 3 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với 238 cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo, 67 chức sắc, 1.935 chức việc, nhà tu hành và khoảng hơn 107.700 tín đồ, chiếm gần 18% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định, tín đồ các tôn giáo sinh hoạt thuần túy, tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành và MTTQ Việt Nam phát động.

Điện Biên đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hà Giang đưa chính sách dân tộc đến với bà con

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

 Ra mắt mô hình “Phật tử tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng văn minh đông thị” ở thôn Thượng Nghĩa, phường Đông Giang, TP. Đông Hà - Ảnh: N.N

Khi COVID-19 bùng phát, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đồng lòng phòng, chống dịch. Các chức sắc, chức việc, người uy tín trong các tôn giáo phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống dịch, nâng cao ý thức phòng ngừa, bảo vệ an toàn các nơi thờ tự, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra cộng đồng; nhiều tổ chức tôn giáo đã tạm dừng các hội nghị thường niên và các hoạt động tôn giáo có đông tín đồ tham dự; khuyến cáo tín đồ không tập trung đông người.

Nhiều hộ gia đình đồng bào có đạo đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng ở các khu dân cư. Các tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, chương trình “Nối vòng tay nhân ái - Tết cho người nghèo” do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động. Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh đã vận động được 37.149 triệu đồng.

Mái ấm Lâm Bích ở Phường 5, TP. Đông Hà nuôi dưỡng 48 cháu mồ côi, hỗ trợ hằng tuần 600 suất bánh mì cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cộng đoàn dòng Mến Thánh Giá, nhà Thờ Phước Tuyền, xã Cam Thành nuôi dạy 24 cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Các nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu, thị xã Quảng Trị tổ chức các lớp học mầm non cho 205 cháu trên địa bàn. Các nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Tân Lương, xã Hải Chánh tổ chức lớp học mầm non cho 25 cháu…

Các tôn giáo đã tích cực đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, tương thân, tương ái. Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Thông qua phong trào đã tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và Nhân dân, các chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân.

Tiêu biểu như “Niệm phật đường an lành, trật tự, văn minh” ở thôn Tân Lợi, thôn Hà Lộc, thị trấn Cửa Việt; “Nước sạch cho người dân” ở Giáo xứ Ngô Xá, xã Triệu Trung; “Vận động Phật tử nuôi heo đất” của Chùa Thạch Trung, huyện Gio Linh; “Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật” ở Tịnh xá Ngọc Lộ, huyện Cam Lộ; mô hình khuyến học, khuyến tài ở Chùa Lập Thạch...

Phong trào đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung được các tôn giáo thực hiện có hiệu quả cao. Tiêu biểu như “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các tôn giáo” tại Giáo xứ Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong; Giáo xứ Tân Lương, xã Hải Chánh; Chùa Quy Thiện, xã Hải Quy xây dựng mô hình “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; mô hình “Giáo xứ bình yên, đảm bảo ANTT, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” ở thôn Hội Điền, xã Hải Phong…

Các tổ chức tôn giáo đã cùng mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”,“Đường hoa yêu thương” ở các chùa và niệm phật đường ở huyện Cam Lộ... Các chức sắc đã giáo hóa tín đồ phật tử tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường giao thông, sửa chữa nhà văn hóa, trường học, thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

Nhiều chức sắc trong tôn giáo là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo giữu gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn khu dân cư. Điển hình, các Ban điều hành mô hình trên địa bàn xã Thanh An, huyện Cam Lộ đã phối hợp với lực lượng công an hòa giải 6 vụmâu thuẫn trong Nhân dân; nhận quản lý, giáo dục, giúp đỡ 15 thanh thiếu niên có hành vi gây mất ANTT địa bàn đi đến tiến bộ.

Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” được triển khai hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu có mô hình Phật giáo Cam Lộ với sự đồng thuận của gần 1.000 tăng ni; Phật giáo ở TP. Đông Hà nhân rộng 6 điểm mô hình với sự tham gia của trên 600 tín đồ; Phật giáo các huyện Hướng Hóa, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đều phát động các mô hình đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới.

Những mô hình hay, sáng tạo, ý nghĩa của các tổ chức tôn giáo trong tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2023 là kết quả đầy tâm huyết, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc trên địa bàn toàn tỉnh. Sự đóng góp của các chức sắc, chức việc đã làm cho các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả cao trong đời sống xã hội, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Nguyễn Nhân