Các tôn giáo tỉnh Hậu Giang đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 14 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận pháp nhân đang hoạt động, có 159 cơ sở thờ tự, 127 cơ sở tín ngưỡng dân gian, với 512 chức sắc, chức việc và 206.298 tín đồ tôn giáo, chiếm 26,7% dân số của tỉnh. Đáng ghi nhận là mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo ngày càng gần gũi, cởi mở và thân thiện.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cấp ủy, chính quyền quan tâm tôn giáo

Bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn tình cảm mà lãnh đạo tỉnh Hậu Giang dành cho Phật giáo Hòa Hảo thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Khởi, Trưởng Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, cho rằng, mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đại diện lãnh đạo tỉnh thường đến thăm hỏi, tặng quà, tìm hiểu về hoạt động của tổ chức. Ban đại diện cũng đến chúc tết Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thể hiện tình cảm, sự gắn bó với cấp ủy, chính quyền.

 Đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang đến thăm, chúc tết Hội đoàn kết yêu nước sư sãi tỉnh dịp Tết Tân Sửu 2021.

Ông Khởi cũng bày tỏ sự vui mừng khi thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Phật giáo Hòa Hảo hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích giáo lý và theo quy định của pháp luật. Hoạt động của Phật giáo Hòa Hảo Hậu Giang nay dần ổn định, tạo được niềm tin trong tín đồ, phát huy mặt tích cực trong công tác xã hội.

Sự quan tâm, tình cảm đặc biệt dành cho các tôn giáo có thể thấy dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tỉnh không tổ chức họp mặt như thường lệ, thay vào đó lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến các cơ sở tôn giáo trên địa bàn để tặng quà, thăm hỏi.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, cho biết, nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo đang là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng như Mặt trận các cấp, đây là cơ sở để các tôn giáo đồng hành với cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng quê hương thêm phát triển.

Khi các bên cùng quan tâm nhau, tôn giáo và cấp ủy, chính quyền ngày càng gắn bó mật thiết, khẳng định thêm quan điểm: các tổ chức tôn giáo và tín đồ các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tôn giáo đồng lòng ủng hộ

Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có phần đóng góp không nhỏ của các tôn giáo.

Phường IV, thành phố Vị Thanh có 1 nhà thờ Tin lành và 2 nhà thờ Công giáo, số cử tri là tín đồ tôn giáo chiếm khá đông, để 100% cử tri Công giáo đi bầu, vai trò của mục sư, linh mục khá quan trọng. Các vị đã vận động cụ thể “tín đồ khi làm lễ xong tại nhà thờ thì đi đến điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân của mình”.

“Không riêng cuộc bầu cử vừa qua mà chúng tôi luôn đồng hành, góp sức với cấp ủy, chính quyền trong việc vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương”, mục sư nhiệm chức Nhà thờ Tin lành ở khu vực 5, phường IV Võ Văn Thương chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Sau, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường IV, cho biết: “Khi chúng tôi bảy tỏ mong muốn phối hợp với các mục sư, linh mục của các nhà thờ tuyên truyền thông tin về bầu cử đến với tín đồ thì các vị đồng ý ngay”. Đâu chỉ ở phường IV, các chức sắc, chức việc, người đại diện các tôn giáo trong toàn tỉnh đã cùng đồng lòng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, thuyết phục tín đồ tích cực làm tròn quyền, nghĩa vụ trong cuộc bầu cử, sáng suốt lựa chọn những đại biểu dân cử đủ cả đức lẫn tài.

Về phòng, chống dịch Covid-19, hơn 1 tháng nay, Tịnh xá Ngọc Long ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy đóng cửa. Đại đức Thích Giác Nghiệp, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Long, Phó trưởng Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Vị Thủy, cho hay, chùa không đón tiếp phật tử khắp nơi về cúng bái nhằm góp phần với cấp ủy, chính quyền tỉnh nhà đẩy lùi đại dịch.

Dù việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của tín đồ nhưng các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, tín đồ trên địa bàn tỉnh đều đồng thuận. Theo Hòa thượng Thích Giác Giàu, Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự nhưng phải quan tâm tăng cường tuyên truyền đến tăng ni, phật tử và Nhân dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm của dịch.

Kết quả của sự gắn kết chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, các tôn giáo là sự đồng thuận trong thực hiện tốt 2 nhiệm vụ đạo và đời, Hậu Giang liên tục ổn định phát triển.

T.S