Các mô hình văn hóa tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Quảng Trị

(Mặt trận) -Sau một năm triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo về việc thực hiện công tác này, đặc biệt chú trọng đến việc tiếp tục giữ gìn và phát huy các mô hình điển hình ở các khu dân cư, đảm bảo đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hoá, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hoá nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” tại TP. Đông Hà

Vào tháng 2/2020, căn cứ các cơ sở pháp lý hiện hành và thực trạng tổ chức việc hiếu, hỉ tại địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đông Hà đã xây dựng đề án số 01/ ĐA-MTTQ về “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn thành phố Đông Hà” triển khai đến 9/9 phường.

 Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 01/ĐA-MTTQ của Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang -Ảnh: P.N

Để hướng tới nếp sống văn minh trong tổ chức việc hiếu, kể từ cuối năm 2020, mặt trận các cấp tại thành phố đã phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng vận động gia đình có người qua đời tổ chức nhập quan trong vòng 10 giờ đồng hồ và chôn cất trong thời gian không quá 48 giờ kể từ khi từ trần.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người thân khai báo, làm thủ tục khai tử cho người qua đời trong vòng 15 ngày; trường hợp có người tử vong vì dịch bệnh, gia đình tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của cơ quan y tế, không được để quá 24 giờ; người qua đời đột ngột không rõ nguyên nhân hoặc có dấu hiệu tội phạm phải được cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật trước khi khâm liệm.

Vận động gia đình không thuê đội nhạc tang lễ, nên dùng băng, dĩa nhạc tang để phát; không mở âm lượng quá to; không mở nhạc trước 6 giờ và sau 22 giờ; không rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang. Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc và hoàn cảnh gia đình có người qua đời.

“Các tiêu chí đám tang văn minh dần trở thành thói quen tốt đẹp được đưa vào các hương ước, quy ước, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, đơn vị văn hóa, góp phần gìn giữ, bồi đắp và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà chia sẻ.

Nhờ đó, trên địa bàn thành phố đã có 9/9 phường, 61/62 khu phố, 541/716 đám tang thực hiện tốt các chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 75,6%. Ước tính tiết kiệm được gần 10 tỉ đồng cho Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc các phường đã chủ động phối hợp với ban cán sự khu phố bàn bạc, thống nhất mua sắm băng nhạc lễ phục vụ đám tang và triển khai đến tận từng hộ gia đình.

Mô hình “Xứ đạo bình yên” tại khu dân cư Tây Chánh, Hải Chánh, Hải Lăng

Năm 2018, được sự quan tâm, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải Chánh xây dựng và phát động mô hình “Xứ đạo bình yên, đảm bảo an ninh trật tự và chung tay xây dựng nông thôn mới” ở Giáo xứ Tân Lương khu dân cư (KDC) Tây Chánh. Qua 4 năm triển khai, mô hình góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại KDC này.

Cụ thể, mô hình góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế, đến nay thu nhập bình quân đầu người tại KDC Tây Chánh đạt 50,5 triệu đồng/năm; nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư trang trại, phát triển các dịch vụ thu mua và khai thác rừng trồng... mang lại thu nhập khá cao, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Cũng nhờ đó, từ một KDC có tỉ lệ hộ nghèo 9,72% vào năm 2015, đến nay, tỉ lệ này ở Tây Chánh chỉ còn 4,06%. Năm 2021, toàn KDC đã hoàn thành việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo.Việc triển khai thực hiện mô hình góp phần vận động Nhân dân toàn KDC hiến hơn 800 m2 đất, tham gia hơn 500 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, hơn 2 km đường giao thông trong KDC được thắp sáng... qua đó hoàn thành 15/15 tiêu chí nông thôn mới tại KDC Tây Chánh.

Đồng thời, với tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo - kính Chúa, yêu nước” và “Người công giáo tốt là công dân tốt”, Nhân dân trong KDC đã tích cực tham gia các phong trào do mặt trận các cấp phát động.

Duy trì và phát triển tốt các mô hình văn hóa là một trong những cách thức hiệu quả nhất để phát huy tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” - một trong những phong trào chủ chốt do mặt trận phát động.

Đây cũng chính là cách mà cán bộ, công chức mặt trận các cấp trong tỉnh nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy được tinh thần sáng tạo và tự quản của Nhân dân trong tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Phúc Nguyên