Cà Mau: Vùng đồng bào dân tộc Khmer đang đổi thay từng ngày

(Mặt trận) -Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai tại tỉnh Cà Mau đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó đã tạo nhiều chuyển biến lớn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Gia đình anh Thạch Xúa, ở ấp 7, xã Nguyễn Phích đang thu hoạch tôm nuôi, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, cộng thêm cần cù, tiết kiệm, giờ đây gia đình anh đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hữu Lợi

Chính sách dân tộc làm thay đổi diện mạo nông thôn

Nguyễn Phích là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), trong đó có 4 ấp đặc biệt khó khăn. Những năm qua, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, nhất là việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo của xã đạt kết quả khả quan, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đến xóm Khmer ấp 7, hình ảnh đầu tiên ghi nhận được là đời sống của bà con ngày một thay da đổi thịt, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Huỳnh Nhạt, Trưởng ấp 7 cho biết: “Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ấp 7 luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước như đầu tư xây đường, cầu giao thông, lưới điện, trạm xá, trường học; hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất… Ðồng thời, địa phương cũng đã nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, đến nay ấp 7 chỉ còn 32 hộ nghèo (chiếm 7,6%) và 1 hộ cận nghèo, các hộ nghèo đa số là do thiếu đất sản xuất, bệnh tật, già yếu, neo đơn”.

Không để cái nghèo đeo bám, anh Thạch Xúa, ở ấp 7, xã Nguyễn Phích, chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Anh Thạch Xúa bộc bạch: “Trước đây tôi không có đất sản xuất, phải đi làm thuê sống qua ngày. Cuộc sống khó khăn đã thúc đẩy gia đình tôi phải thật cố gắng. Gia đình tôi thuê 2 ha đất để nuôi tôm, còn vợ tôi thì nuôi gà, vịt, heo. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi chính sách, kỹ thuật sản xuất, cùng với sự cần cù, tiết kiệm, gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, sau khi trừ hết chi phí. Hiện gia đình tôi vừa xây được căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng và đã thoát nghèo”.

Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết, thời gian qua, xã đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc. Xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tập trung nhiều ở ấp 7, ấp 8 và ấp 9. Hiện các ấp có đồng bào dân tộc đều được đầu tư cơ bản, cả về kết cấu hạ tầng nông thôn... Có thể nói, đời sống của bà con ngày một phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, song quan trọng hơn hết là ý thức tự phấn đấu vươn lên của bà con. Hiện số hộ nghèo là người đồng bào DTTS của xã giảm đáng kể, trong đó số hộ thoát nghèo và hộ khá giàu ngày càng tăng. Nếu như năm 2020 hộ nghèo chiếm gần 30% nay giảm xuống còn 9,1% (với 444 hộ), hộ cận nghèo còn 80 hộ (chiếm 1,64%).

Ông Danh Sô Phi, người có uy tín cộng đồng ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng Đông (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Những năm qua, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống cầu, đường giao thông nên đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, lộ làng thông thoáng nên việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con thuận lợi hơn trước rất nhiều, việc đến trường của các cháu học sinh đỡ vất vả hơn. Không chỉ cầu, đường mà điện, nước, trường, trạm cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư ngày một khang trang, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và đời sống của người dân, nhờ đó đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên rõ nét.

Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau, Sư cả chùa Monivongsa Bopharam (thành phố Cà Mau), Hòa thượng Thạch Hà cho biết: “So với trước đây, hiện nay đời sống đồng bào Khmer đổi thay rất nhiều. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm thông thoáng; điện, nước sinh hoạt về từng nhà; y tế, giáo dục phát triển vượt bậc. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống dân sinh được đầu tư nhiều hơn, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống đồng bào Khmer được cải thiện rõ rệt”.

Đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào DTTS

Những năm qua, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tại tỉnh Cà Mau đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng DTTS. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư bảo đảm được các điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh, nhờ vậy, diện mạo phum sóc có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

 Không còn trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân tộc Khmer chí thú làm ăn, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình vươn lên khá giàu. Ảnh: Hữu Lợi

Theo Quyết định số 3000/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, tỉnh Cà Mau còn 7.407 hộ nghèo (chiếm 2,41%), hộ cận nghèo là 5.710 hộ (chiếm 1,86%). Trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.042 hộ (chiếm 8,66% tổng số hộ đồng bào DTTS), hộ cận nghèo là 550 hộ (chiếm 4,57%). Thực hiện Quyết định số 495/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025.

Đại đức Hữu Nhiều, Trụ trì chùa Rạch Giồng (chùa Serymengcol) ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nói: Thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tín ngưỡng, lễ hội, chính quyền, Ủy ban MTTQ lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Ngoài ra, Sư và Ban Quản trị chùa cũng vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer, phật tử thực hiện các mô hình kinh tế thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó, chú trọng phát triển giáo dục cho thế hệ trẻ; phát huy, bảo tồn bản sắc và các giá trị văn hóa của dân tộc.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Thuật, cho biết: “Trong đó, định hướng, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia đến vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống nói riêng và của tỉnh nói chung bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc nói chung và DTTS nói riêng. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai; đa dạng hóa hình thức, phương tiện truyền thông, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia”.

Sự đổi thay ở những vùng đồng bào DTTS khẳng định ý Đảng, lòng dân đã hợp làm một, biến các chương trình, dự án, chính sách của Đảng, nhà nước trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, tạo động lực để chính người DTTS còn khó khăn nỗ lực vươn lên để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần chung sức xây dựng phum sóc phát triển ngày thêm khởi sắc.

Hữu Lợi