Cà Mau triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) -Giai đoạn 2021 - 2025, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cà Mau còn 5 xã khu vực III (trong đó, có 2 xã an toàn khu), 1 xã khu vực I và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III. Qua hơn 2 năm, tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cấp ủy, chính quyền xã Đông Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG. Ảnh: Hữu Lợi

Để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chính sách, Cà Mau chủ trương tập trung lồng ghép nguồn lực để đảm bảo đủ vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau là gần 1.896,8 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ là gần 862 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện là gần 1.035 tỷ đồng.

Theo báo cáo trong năm 2022, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG hơn 184 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 30 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 36,8 tỷ đồng; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hơn 117 tỷ đồng. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG là hơn 872 tỷ đồng.

Ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Qua 2 năm Cà Mau triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; đến nay, toàn tỉnh có 55/82 xã đạt xã nông thôn mới (đạt 67,1%); có 3/54 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 5,45%) và thành phố Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

“Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương trên các lĩnh vực đã từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Theo kết quả rà soát cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 7.407 hộ nghèo (chiếm 2,41%, giảm 0,73% so với năm 2021). Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn là 1.042 hộ (chiếm 8,66%/tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh)” - ông Hoàng Nhỏ nói.

 Đời sống của đồng bào DTTS ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau dần được nâng cao, ổn định cuộc sống. Ảnh: Hữu Lợi

Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, Cà Mau đã chỉ đạo kịp thời tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2023, trình hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định xét, công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông mới nâng cao và huyện Thới Bình đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 100% (bao gồm cả vốn năm 2022 chuyển sang).

“Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2023 thực hiện và giải ngân vốn đạt trên 80%; hoàn thành 100% khối lượng công việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho đối tượng thụ hưởng thuộc vùng đồng bào DTTS; hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đạt từ 95% trở lên đối với các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng (do cấp huyện làm chủ đầu tư) và đạt 90% trở lên đối với các mô hình, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng” - ông Sử khẳng định.

Việc triển khai đồng bộ Chương trình MTQG, sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Đồng thời, từ các nguồn lực đầu tư của các chương trình, chính sách tiếp thêm ý chí, quyết tâm để người dân vùng cao tự nguyện vươn lên thoát nghèo.

Hữu Lợi