Bình yên Pu Cai

(Mặt trận) -Nằm trên đỉnh núi cao, bản Pu Cai, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là nơi sinh sống của 27 hộ dân tộc Mông. Nhiều năm trước, đây là địa bàn khó khăn bậc nhất của xã; thêm vào đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp. Nhưng hiện nay, đời sống người dân đang đổi thay từng ngày, bám dọc hai bên đường vào bản thấp thoáng những ngôi nhà khang trang, con đường từ trung tâm xã vào bản cũng dần được bê tông hóa, cuộc sống của người dân đã nhộn nhịp hơn trước...

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Một góc bản Pu Cai hôm nay.

Từ địa bàn “khét tiếng” về ma túy...

Lật lại câu chuyện gần 10 năm trước, hẳn nhiều người vẫn nhớ vụ án Sùng A Minh, sinh năm 1984, trú tại bản Pu Cai và đồng phạm liên quan đến đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Ở thời điểm cuối năm 2014, đây là vụ án lớn nhất mà Công an tỉnh Điện Biên đã triệt phá, với số lượng lên tới trên 1.200 bánh hêrôin. Theo lời kể của Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang Lường Văn Toản, Sùng A Minh với vai trò cầm đầu đã điều khiển đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia đặc biệt lớn, được tổ chức chặt chẽ với nhiều đối tượng tham gia, hoạt động khép kín cùng thủ đoạn hết sức tinh vi. Trong quá trình hoạt động tội phạm, Minh cùng đồng phạm sử dụng anh em ruột, họ hàng vào đường dây và dùng nhiều phương tiện, nhiều tuyến đường khác nhau để vận chuyển ma túy. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tháng 12/2014, lần lượt các đối tượng tham gia đường dây đã bị bắt. Sùng A Minh bị bắt ngày 12/12/2014 tại tỉnh Lào Cai khi đang có ý định trốn sang Trung Quốc. Trong vụ án này, ngoài Sùng A Minh trú tại bản Pu Cai, còn có Sùng A Chạ cũng trú tại Pu Cai, Chạ được xem là một trong những mắt xích hết sức quan trọng, chuyên vận chuyển ma túy từ biên giới về và cùng đi tiêu thụ với Sùng A Minh.

Vụ án Sùng A Minh và đồng phạm bị triệt phá, thời điểm từ năm 2016 trở về trước, tại bản Pu Cai, nhiều đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép ma túy cũng bị bắt, như: Giàng Và Mua (sinh năm 1982), Sùng Giống Chay (sinh năm 1982), Sùng A Dua (sinh năm 1982), Giàng A Nhăng (sinh năm 1987), Sùng A Hù (sinh năm 1985)...

Bình yên trở lại với bản Pu Cai, bà con dần quên đi quá khứ buồn liên quan đến ma túy; bắt đầu tập trung làm ăn, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. “Bản chất cần cù, chịu khó, nhưng trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn lắm. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, vận động tích cực, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con dần thay đổi tư duy, nhận thức, cùng cố gắng, nỗ lực vươn lên để xóa đi cái đói, bỏ đi cái nghèo” - Phó Chủ tịch UBND xã Lường Văn Toản chia sẻ.

...đến đổi thay diện mạo nông thôn mới

Theo lời mời của Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang Lường Văn Toản, cũng là để hiểu hơn cuộc sống bà con dân bản Pu Cai khi bình yên trở lại, chúng tôi vượt gần 20km đường dốc dựng từ trung tâm xã đến Pu Cai. Đến đây mới hiểu, khi chưa có đường bê tông, việc đi lại của bà con vất vả thế nào. Trong tâm thế được báo trước, trưởng bản Sùng Vàng Giàng niềm nở đón tiếp chúng tôi như những người thân trong gia đình. Mời khách vào nhà, trưởng bản Giàng kể về cuộc sống của mấy chục hộ dân tộc Mông sống trên đỉnh Pu Cai trước kia và bây giờ. Anh Giàng bảo: “Gần 10 năm làm trưởng bản và hơn 60 năm lớn lên trên mảnh đất này, chưa bao giờ thấy được sự đổi thay về mọi mặt như mấy năm gần đây, nhất là đời sống kinh tế”. Minh chứng cho lời nói của mình, trưởng bản Giàng lật giở danh sách hộ nghèo vừa rà soát năm vừa rồi. Theo danh sách thì, hiện nay bản còn 13/27 hộ nghèo, chiếm 48,15%. “5 năm trước, Pu Cai nghèo lắm, có lúc tất cả bản đều là hộ nghèo. Nhưng giờ khác rồi, ý thức vươn lên của người dân đang thay đổi từng ngày. Người dân đã biết vay vốn, tìm hiểu kỹ thuật trong sản xuất để mở ra hướng phát triển kinh tế. Hiện nay, trung bình mỗi hộ ở Pu Cai đều sở hữu gần chục con trâu, bò, chưa kể các loại gia súc, gia cầm khác. Thậm chí, có hộ mấy năm trước nghèo nhưng giờ sắp thành hộ giàu rồi”.

Khi đời sống kinh tế có bước ổn định, người dân bản Pu Cai lại cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giờ đây, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp được chú trọng; đồng bào dân tộc Mông tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc như: Múa khèn, thổi khèn lá, khèn môi, đánh tù lu, đẩy gậy, giã bánh giày, các điệu múa... Đặc biệt, việc tổ chức lễ cưới ở bản vẫn mang bản sắc dân tộc nhưng đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; đa số các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã từng bước được xóa bỏ, tang lễ tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém.

Để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn  mới, đô thị văn minh” đi vào thực tiễn, nhất là việc xây dựng bản làng sạch đẹp, thứ 7 hàng tuần, chủ nhật hàng tuần các tổ chức đoàn thể ở Pu Cai thường tổ chức các hoạt động dọn dẹp đường nội bản; tuyên truyền cho nhân dân về trách nhiệm của bản thân và gia đình trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa ở bản. Với cách làm đó, liên tiếp hai năm: 2019 và 2020, Pu Cai đã đạt danh hiệu bản văn hóa - Trưởng bản Sùng Vàng Giàng phấn khởi chia sẻ.

Bản Pu Cai hôm nay, với những đổi thay và con đường phía trước, người dân trong bản ai cũng muốn tránh xa ma túy, phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay xây dựng bản ngày một phát triển, lấy cái đẹp để dẹp đi cái xấu. Và quan trọng hơn, những thế hệ con em trong bản sau này sẽ gìn giữ được truyền thống bản sắc tốt đẹp của dân tộc, tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, bản làng.

Quang Long