Bình Định: Tập trung giải quyết sinh kế cho đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã chủ động, tích cực tham mưu sớm, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), với nhiệm vụ ưu tiên giải quyết những vấn đề sinh kế cấp thiết cho đồng bào DTTS.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định đang có nhiều khởi sắc.

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định, sinh sống tập trung ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát. Toàn tỉnh có 39 DTTS. Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định có một huyện nghèo (An Lão), 22 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 7 thôn DTTS đặc biệt khó khăn ở 5 xã không thuộc vùng DTTS và miền núi.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ban đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định các dự án, tiểu dự án thành phần. Qua đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện. Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Trong năm 2022, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong đó, đã thực hiện và giải ngân đạt 100% kế hoạch cấp muối i-ốt cho hộ DTTS tại các huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân với kinh phí thực hiện 1,55 tỷ đồng; thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”; thực hiện các chính sách đối với người có uy tín; bồi dưỡng kiến thức dân tộc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS...

Ngoài ra, tỉnh Bình Định đã ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH liên kết vùng, các công trình thiết yếu trên địa bàn huyện phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Công trình giao thông, hạ tầng điện phục vụ dân sinh, sản xuất; công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia; công trình y tế đạt chuẩn quốc gia; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao...  

 Tỉnh Bình Định quan tâm triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng DTTS và miền núi.

Xác định việc thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, chính là cú hích quan trọng để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ máy tổ chức, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần, gồm: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Theo đó, mục tiêu của tỉnh Bình Định là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 - 4%; phấn đấu khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ DTTS nghèo....

LÊ PHƯƠNG