''Bảy tốt đời, ba đẹp đạo'' trong đồng bào Công giáo huyện Yên Định

(Mặt trận) -Cùng với các tầng lớp nhân dân, đồng bào công giáo trên địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa luôn tích cực, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), gắn với phong trào thi đua ''sống tốt đời, đẹp đạo''.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Mô hình gia trại cây ăn quả của giáo dân Vũ Văn Tuân, xã Định Tân, huyện Yên Định

Xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có 504 giáo dân, thuộc giáo xứ Yên Khánh. Bà con giáo dân trên địa bàn xã luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Định Tân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực “chung tay” xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, năm 2020, Định Tân đã “cán đích” xã NTM kiểu mẫu.

Xuống thôn Yên Định - nơi có phần lớn đồng bào công giáo trong xã sinh sống, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một vùng quê thuần nông với bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2018, thôn bắt tay vào XDNTM kiểu mẫu. Trên cơ sở duy trì kết quả đạt được trong XDNTM, chi bộ thôn chỉ đạo ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết lương - giáo đóng góp ngày công, kinh phí để đầu tư xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường nông thôn, nhằm sớm thực hiện hoàn thành những nội dung trong XDNTM kiểu mẫu. Nổi bật là các tầng lớp Nhân dân trong thôn đã đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa với trị giá 2,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 500 triệu đồng.

Tương tự, xã Định Tiến hiện có 108 hộ giáo dân, với 475 nhân khẩu. Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, bà con giáo dân trên địa bàn xã đã đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bà con giáo dân xã Định Tiến luôn nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện tốt chính sách về dân số và động viên con em không xa vào tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Năm 2020, trong xã có 85% số hộ giáo dân đạt gia đình văn hóa; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Số học sinh người công giáo thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều.

Huyện Yên Định có 9.235 giáo dân, chiếm khoảng 5,2% tổng dân số, sinh sống ở 20 xã, thị trấn. Thực hiện phong trào thi đua “sống tốt đời, đẹp đạo” với 10 nội dung, bao gồm “bảy tốt đời, ba đẹp đạo”, Ủy ban MTTQ huyện đã hướng dẫn ủy ban MTTQ các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đây, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi, với mức thu nhập từ 450 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như: Ông Đinh Quang Dân, thôn Ngọc Sơn, xã Định Tường, kinh doanh nứa cuốn sơn mài, giải quyết việc làm cho 87 lao động; ông Nguyễn Văn Lộc, thôn Đông Sơn, xã Yên Lâm, khai thác đá xẻ, giải quyết việc làm cho 20 lao động; ông Vũ Duy Lý, xã Định Tân, kinh doanh ngành nghề xây dựng, giải quyết việc làm cho 20 lao động. Hay các ông Trịnh Đình Mạnh, xã Quý Lộc; Vũ Văn Hùng, xã Yên Thọ; Nguyễn Thế Hợp, xã Yên Thịnh phát triển kinh tế trang trại, với thu nhập cao trên 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên.

Chung sức XDNTM, xã Yên Lâm có 96 hộ giáo dân, hiến 7.635m2 đất và đóng góp 1.245 ngày công để mở rộng đường giao thông; xã Yên Thái có 25 hộ, hiến 2.400m2 đất mở rộng đường giao thông và xây công trình phúc lợi nông thôn. Ngoài ra, đồng bào công giáo trong huyện còn đóng góp 7,777 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, cống rãnh thoát nước ở khu dân cư. Bên cạnh đó, đồng bào công giáo còn phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, ở các giáo xứ đã xây dựng mô hình tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; mô hình “Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần”; mô hình “Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa”./.

P.N