Bảo vệ “vùng xanh” ở nông thôn miền núi

(Mặt trận) -Trước những diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn ra ở nước ta, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nhiều việc làm sáng tạo, ý nghĩa, thể hiện ý thức trách nhiệm cao và tinh thần chủ động chung tay cùng nhân dân cả nước quyết tâm dập dịch.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tặng quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ở huyện Hớn Quản.

Sự chủ động vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Ủy ban Dân tộc, tính từ 27/4 đến hết ngày 20/8/2021, các tỉnh/thành phố vùng đồng bào DTTS có 293.178 ca F0. Điều đó đồng nghĩa với việc các ca F0 này kéo theo một số lượng không nhỏ các F1 là người thân trong gia đình và cộng đồng xung quanh.

Trước tình hình này, Ủy ban Dân tộc đã có công văn gửi đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng DTTS tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ kịp thời lao động là người DTTS từ vùng dịch trở về địa phương, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; triển khai kịp thời các gói hỗ trợ đến đồng bào (nếu có); tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 ở vùng đồng bào DTTS, những tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống nhân dân về y tế, giáo dục, sản xuất, thu nhập, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…), nhất là các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg; tổng hợp số bệnh nhân nhiễm COVID-19 là người DTTS thuộc hộ nghèo gửi Ủy ban Dân tộc xem xét, hỗ trợ theo qui định nhằm góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình điều trị, ổn định cuộc sống, đảm bảo không để đồng bào bị thiếu đói do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Về phía các địa phương vùng DTTS cũng đã chủ động chăm lo cho người DTTS trực tiếp bị bệnh hoặc bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tâm điểm của đợt dịch lần này, Ban Dân vận Thành ủy đã tặng 100 phần quà hỗ trợ cho đồng bào người Hoa bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại Quận 5, Quận 6, Quận 11, Quận 8, Quận Tân Phú, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng.

Văn phòng UBND và Ban Dân vận TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn hỗ trợ 90 phần quà trao cho các hộ gia đình dân tộc Khmer, Chăm có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, mỗi phần quà gồm: gạo, mì gói, gia vị và một số nhu yếu phẩm thiết yếu, với tổng trị giá 45 triệu đồng.

Quận uỷ - UBND - UBMTTQ Việt Nam Quận 10 đã trao tặng quà nhu yếu phẩm đến đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn quận với mỗi phần quà nhu yếu phẩm trị giá 500.000 đồng…

Tại Bình Phước, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động được 2 tấn gạo, 140 thùng mì và 800 phần quà trị giá 304 triệu đồng hỗ trợ hộ DTTS ở khu cách ly, phong tỏa và 6 thôn đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

Nhiều cách làm thiết thực của đồng bào

Bên cạnh các hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đồng bào DTTS đã có nhiều việc làm thiết thực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Đồng bào DTTS huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã chọn cách làm giường gửi tặng các khu cách ly tập trung khi biết chuyện địa phương gặp khó khăn trong việc mua giường phục vụ người thuộc diện cách ly.

Già làng Điểu Phụng ở ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình cho biết, tuy đồng bào DTTS nơi đây còn khó khăn, nhưng với truyền thống yêu nước, hết lòng ủng hộ sự nghiệp đánh giặc giữ nước trong những năm tháng kháng chiến và nay là đánh giặc COVID-19, bà con sẵn sàng ủng hộ tre, gỗ để làm giường, rồi lại bảo nhau tạm gác việc nhà để tự tay cưa, xẻ, đục, lắp ghép nên hàng trăm chiếc giường nghĩa tình, phục vụ công cuộc chống dịch của địa phương.

 Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cùng Bộ đội Biên phòng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn dựng lán tạm cho người trở về từ vùng dịch thuộc đối tượng phải cách ly.

Đồng chí Lù A Dủa, Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, qua rà soát, địa phương đã nắm được số lượng 217 người đi lao động có địa chỉ cụ thể ở các tỉnh, thành trong cả nước và 27 người chưa xác định được nơi làm việc.

Chấp hành chủ trương của huyện Mai Sơn là chuẩn bị sẵn nơi cách ly, phòng tình huống người lao động quay trở về quê nhà sau khi các tỉnh phía Nam khống chế được dịch bệnh và hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, xã đã chủ động triển khai tổ chức làm các lán cách ly tại bản Phiêng Khàng để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra 19 bản trong toàn xã.

Theo đó, mỗi thôn bản chủ động chọn bãi đất bằng, không cách quá xa trung tâm, thuận lợi cho việc kéo điện, nước, làm khu vệ sinh để làm lán cách ly. Mỗi lán rộng khoảng 3 x3,5m, được làm từ tre, nứa và phủ bạt. Tre, nứa thì chặt ở khu rừng cộng đồng của bản hoặc các hộ dân chặt trong vườn nhà ủng hộ, kinh phí mua bạt chừng 70.000 đồng và mua 0,5 kg dây thép buộc được lấy từ quỹ chung của bản. Tính ra chi phí mỗi lán chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng.

Lực lượng tham gia làm lán là các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Cách làm lán như vậy rất phù hợp với thực tế của các bản miền núi cao là thiếu bãi đất rộng, xã lại không có kinh phí san ủi để tạo mặt bằng làm khu cách ly tập trung cho 15 - 20 người một lúc, chi phí thấp nên dễ vận động xã hội hóa từ người dân và không lãng phí trong trường hợp không có người trở về phải cách ly - đồng chí Lù A Dủa phân tích.

Bí thư Lù A Dùa cũng chia sẻ, tuy điều kiện cơ sở vật chất của lán có phần giản đơn nhưng địa phương đã cố gắng hết sức trong điều kiện có thể để chủ động tạo sẵn chỗ cách ly cho người trở về từ vùng dịch. Chỉ sau hơn hai ngày, xã đã làm xong 10 chiếc lán và tiếp tục tổ chức cho nhân dân thực hiện ở tất cả các bản, phấn đấu bản có 50 hộ sẽ chuẩn bị 5 - 10 lán, bản có 100 hộ trở lên chuẩn bị khoảng vài chục chiếc.

Trên địa bàn huyện Mai Sơn, theo thông tin của ông Cầm Văn Thoát - Phó phòng Dân tộc, tính đến chiều 23/8, các xã đã làm được 150 chiếc lán. Trong những ngày tới, số lượng lán cách ly sẽ còn tăng lên để sẵn sáng giảm tải cho khu cách ly của huyện nếu số lượng người thuộc diện cách ly quá đông và địa phương phải đưa công dân về nơi cư trú để cách ly.

Mỗi nơi một cách làm khác nhau nhưng đều thể hiện tinh thần chủ động chống dịch COVID-19 của các địa phương và đồng bào vùng DTTS, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bị đói, bị rét, bảo vệ “vùng xanh” ở nông thôn miền núi và làm pháo đài vững chắc, góp phần cùng nhân dân cả nước sớm chiến thắng dịch bệnh./.

Phương Liên