Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Khu vực miền núi Thanh Hóa với những thung lũng màu mỡ, là nơi quần tụ sinh sống lâu đời của các dân tộc thiểu số Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú... Trong đó, người Thái sống tập trung chủ yếu ở các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh... Có nhiều kiến giải về sự xuất hiện của người Thái trên mảnh đất xứ Thanh, song nhìn chung, các nghiên cứu đều thống nhất rằng, xét về mặt lịch sử, người Thái Thanh Hóa được hình thành và phát triển từ một nhóm Tày cổ bản địa. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, được bổ sung thêm một bộ phận di cư từ phía Bắc vào; đồng thời, tiếp cận với người Mường, người Kinh, người Khơ Mú xung quanh và giữ mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với khối đồng tộc Tây Bắc, Thượng Lào, Nghệ An. Do vậy, về huyết thống và văn hóa có sự hòa đồng của nhiều yếu tố, từ đó, tạo nên bản sắc riêng vừa mang đặc trưng Thanh Hóa, vừa phản ánh tính chất chung của cộng đồng Thái Việt Nam.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Lễ hội Pồn pôông – nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường.

Chẳng hạn như nghề dệt thổ cẩm của người Thái Thanh Hóa là sự tổng hợp hài hòa của kỹ thuật và hoa văn thổ cẩm người Thái vùng Tây Bắc, Thượng Lào, Nghệ An và người Mường Thanh Hóa, Hòa Bình. Các sản phẩm được làm ra khá phong phú và phục vụ chủ yếu cho sinh hoạt hàng ngày như váy, áo, khăn, túi, chăn, màn, gối, đệm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đẹp và có giá trị sử dụng thiết thực như váy hoa, vỏ chăn, khăn... đã trở thành những hàng hóa được mua bán, trao đổi. Nếu dệt là công việc hàng ngày của phụ nữ, thì đan lát lại là việc của người đàn ông. Từ các vật liệu tre, nứa, mây, giang người ta đã tạo ra từ các vật dụng sinh hoạt như giỏ, sọt, thúng mủng... đến việc dựng nhà. Trước đây, do địa hình chia cắt, đời sống tự cấp, tự túc, song đời sống văn hóa tinh thần của người Thái tương đối phong phú. Trong đó, hệ thống lễ hội tương đối đa dạng và giàu bản sắc. Ví như lễ hội gắn với tri ân các nhân vật lịch sử, người có công mà tiêu biểu hơn cả là lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa), gắn với thờ phụng tướng quân Khằm Ban; lễ hội Căm Mương (huyện Bá Thước), thờ nhiều nhân vật như Vua Lê (Lê Lợi), Hà Công Lục, Hà Văn Nho...; lễ hội Mường Xia (huyện Quan Sơn) thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào... Ngoài ra, người Thái còn một số hình thức lễ hội đặc sắc như kin chiêng boọc mạy, phấn chá, xăng khan để cầu sức khỏe (phần lễ) và múa hát xung quanh cây hoa (phần hội).

Người Mường là một trong những dân tộc gắn bó lâu đời trên mảnh đất xứ Thanh. Quá trình định cư lâu dài, người Mường đã tạo dựng được một kho tàng văn hóa phong phú, đã “ăn sâu bén rễ” vào trong đời sống cộng đồng. Nói đến văn hóa Mường, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến sử thi “Đẻ đất đẻ nước” - một áng Mo đồ sộ với trên 2 vạn câu, phản ánh đầy đủ và chân thực quan niệm của người Mường về tự nhiên, xã hội và con người. Có ý kiến cho rằng, sử thi này đã giúp giới học thuật khám phá và tìm thấy những ý niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, con người, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người tối cổ từ buổi hồng hoang lịch sử. Hoặc nói đến văn hóa Mường là nói đến cồng chiêng, hát xường, pồn pôông... những loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, giàu giá trị, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của con người, cũng như góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần người Mường. Đồng thời, phản ánh một phần lịch sử, phong tục, tập quán của tộc người trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Do vậy, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ấy, trong bối cảnh hiện nay, càng cần được quan tâm. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đã coi trọng việc phát hiện, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển. Điển hình như các lễ hội kin chiêng boọc mạy, căm mương, Mường Xia, ca da, tục cầu mưa, chữ Thái cổ, tục ngữ, ca dao... (dân tộc Thái); pồn pôông, múa hát quanh cây bông, “Trò ma”, séc bùa, lễ hội khai hạ, mo Mường, lễ tục làm vía kéo si, dân ca Mường... (dân tộc Mường); lễ hội đền Thi, lễ cấp sắc (dân tộc Dao); đám ma của người Mông; trang phục truyền thống dân tộc Thổ,... đã được nghiên cứu, phục dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đồng bào.

Việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Qua đó, góp phần “đánh thức” truyền thống văn hóa bản làng, cũng như gìn giữ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong kho tàng văn hóa xứ Thanh.

Hoàng Xuân