Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Mường tại Thủ đô

(Mặt trận) -Tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc, âm nhạc truyền thống... là những vốn quý văn hóa của mỗi dân tộc Việt Nam. Huyện Ba Vì là một huyện miền núi của Thủ đô Hà Nội, đồng bào Mường sớm được hòa nhập, tiếp nhận những luồng văn hóa hiện đại, song ý thức “hòa nhập nhưng không tan” luôn được chính quyền và cộng đồng dân tộc Mường coi trọng.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Câu lạc bộ cồng chiêng xã Vân Hòa biểu diễn chiêng tại lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng biểu diễn chiêng Mường, do Phòng Dân tộc huyện Ba Vì tổ chức. Ảnh: Ngọc Ánh

Nhắc nhau bảo tồn vốn quý của cha ông

Xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Trong các gia đình, mọi người đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Mường.

Chị Nguyễn Thị Hiền, nguyên cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vân Hòa, nay làm công tác bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) cho biết, trong làng của chị, từ trẻ con đến người già vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Mường. Các cháu tầm 3-4 tuổi, dù chưa nói thạo cả tiếng phổ thông và tiếng Mường, nhưng khi nghe người lớn nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, các cháu đều hiểu.

Từng làm cán bộ MTTQ xã nên chị Hiền luôn tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động người dân nói tiếng Mường, nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ đã tách ra ở riêng.

Theo lý giải của chị Hiền, khi những gia đình trẻ không sống cùng với bố mẹ thường có xu hướng nói tiếng Kinh nhiều hơn tiếng Mường. Các bố mẹ trẻ cũng ít quan tâm đến việc dạy con bằng tiếng mẹ đẻ để giữ gìn bản sắc dân tộc. Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, do công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường nên nhận thức của đồng bào về di sản văn hóa được nâng cao, theo đó, người Mường ở các xã Vân Hòa, Yên Bài bảo tồn khá tốt tiếng mẹ đẻ.

Ngoài việc bảo tồn ngôn ngữ, nhiều địa phương có đông đồng bào Mường sinh sống tại huyện Ba Vì cũng quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Tại xã Tản Lĩnh hiện có 3 câu lạc bộ cồng chiêng được thành lập với 62 người tham gia tập luyện, biểu diễn tại các hội nghị và tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa cồng chiêng của đồng bào. Giữa núi rừng, bên cạnh những mái nhà khang trang, hiện đại thì hồn cốt của dân tộc vẫn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành nét văn hóa đặc trưng, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm...

Còn tại xã Minh Quang, các thôn: Lặt, Di, Vip, Cốc Đồng Tâm... đều có đội cồng chiêng của thôn. Các đội cồng chiêng tích cực tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, góp phần giữ gìn nét văn hóa của người Mường. Ngoài ra, nhiều nghệ nhân cũng tham gia công tác sưu tầm, sáng tác lời cho cồng chiêng bằng tiếng Mường để truyền cho thế hệ trẻ.

Tạo “sân chơi” để phát huy giá trị di sản

Hiện nay, cùng với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, người Mường ở các xã trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn đang chú trọng bảo tồn tiếng nói và văn hóa cồng chiêng, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

Tại xã Minh Quang, việc bảo tồn, phát huy tiếng nói dân tộc Mường được cụ thể hóa bằng các hoạt động như: Hội thi “Nói tiếng dân tộc Mường”, “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường", hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức trên địa bàn. Qua đó, các đội (thôn) đã sáng tạo ra nhiều cách thức để chuyển tải thông điệp bảo tồn, gìn giữ tiếng nói, bản sắc văn hóa Mường.

Còn tại xã Tản Lĩnh, để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn đạt hiệu quả, xã đã tập trung phát huy vai trò của người có uy tín, các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường.

Trong các dịp lễ, Tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư thường tổ chức lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường. Thông qua tiếng nói, trang phục, làn điệu dân ca hát sắc bùa, múa sạp hay cách sử dụng cồng chiêng..., những người lớn tuổi đã trao truyền cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Bà Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì cho biết, tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa phương đã thành lập được 20 câu lạc bộ cồng chiêng với gần 500 hội viên tham gia. Các câu lạc bộ đã phát huy rất tốt di sản dân tộc trong phát triển du lịch, văn hóa của địa phương...

Giai đoạn 2021-2030, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thủ đô bước vào một hành trình mới khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai, trong đó có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”.

Đây là một trong 10 dự án trọng tâm được đầu tư trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Dự án tập trung khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có dân số ít; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống và tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, xây dựng sản phẩm du lịch...

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc, trang phục, các môn thể thao truyền thống...); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; phát triển câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS, vùng di dân tái định cư...

Ngọc Ánh