Bảo Lâm đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Xác định công tác dân vận là “chìa khóa” quan trọng để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, Đảng bộ huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã và đang tăng cường nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

 Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lâm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại xã Yên Thổ.

Bảo Lâm là huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng, dân số hơn 65.000 người với 9 dân tộc cùng chung sống, trong đó, DTTS chiếm trên 98% gồm các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ và một số dân tộc khác. Thời gian qua, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện quan tâm, chú trọng thực hiện khá hiệu quả, đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS, công tác dân vận trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố tăng cường.

Với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp cho cấp ủy huyện về công tác dân vận, Ban Dân vận Huyện ủy tăng cường phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung và công tác dân tộc nói riêng; các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT - XH, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt, là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm…

Cùng với triển khai hiệu quả công tác dân vận, các chính sách dân tộc, cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với tăng cường phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng nòng cốt, cốt cán trong việc tập hợp, vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ đồng bào DTTS nghèo, đồng bào có đạo... đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, không bị kẻ xấu kích động, dụ dỗ, lôi kéo gây mất trật tự xã hội...

Qua phát động phong trào, đến nay, toàn huyện xây dựng được 314 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Bước đầu, các mô hình "Dân vận khéo" đã phát huy vai trò giải quyết nhiều vấn đề đặt ra ở địa bàn cơ sở, xóa bỏ dần các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển KT - XH, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Từ phong trào xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo", tập thể, cá nhân tiêu biểu như mô hình tuyên truyền, vận động các hộ từ bỏ không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình của xóm Mạy Rại, thị trấn Pác Mjầu, đã tuyên truyền, vận động 3 hộ/15 nhân khẩu ký kết từ bỏ không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; mô hình trồng cây sả để ép dầu của anh Đặng Văn Hòn, xóm Nà Mon, xã Nam Cao đạt thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/năm.

Song song với việc đẩy mạnh công tác dân vận, chính quyền các cấp có những đổi mới tích cực, nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền thông qua việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Trung ương, của tỉnh thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của đồng bào DTTS trong huyện. Quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; tăng cường công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và trực tiếp đối thoại với người dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo phong cách dân vận "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Chú trọng tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng triển khai thực hiện các dự án, chương trình phát triển KT - XH nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân…

Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 5%; thu nhập bình quân đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đạt hơn 25%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 58%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; 100% xã có mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc; 100% trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ xã có đường vào khu sản xuất tập trung, đảm bảo đi lại và vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa ngày càng tăng.

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức trong hệ thống chính trị huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS trong sạch, vững mạnh, đổi mới công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, sát với từng đối tượng, dân tộc.

N.H