Bản người Dao đổi mới

(Mặt trận) -Xuân về tỏa hương ngọt ngào khắp đất trời, muôn nơi hân hoan đón chào một năm mới. Nơi rẻo cao bản người Dao ở Nà Pùng, xóm Quang Trung, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng không khí xuân đã ngập tràn khắp bản làng, bà con rộn ràng chuẩn bị đón Tết.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Trang phục người Dao Tiền là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ

Rời thị trấn Nguyên Bình nhộn nhịp, vượt hơn 20 cây số qua bao con dốc ngoằn nghoèo, chúng tôi tìm đến bản người Dao ở Nà Pùng để khám phá sắc xuân và phong tục đón Tết đậm đà bản sắc của dân tộc Dao. Trong nắng sớm, những ngôi nhà sàn của đồng bào Dao nằm trên một quả đồi cao ở phía sau trụ sở UBND xã Quang Thành, nhìn xa như những cây nấm.

Anh Đặng Văn Sỹ, Trưởng xóm Quang Trung dẫn chúng tôi vượt con đường đất dốc, gập ghềnh đến Nà Pùng. Trước mắt chúng tôi là khung cảnh thiên nhiên mang vẻ hoang sơ nhưng tràn đầy hương sắc mùa xuân. Hoa cải vàng rực ấm áp cả góc vườn, hoa mơ, hoa mận bắt đầu đua nhau khoe sắc, nụ đào hé nở báo hiệu mùa xuân đã về. Nơi nương ngô trụi bắp, những thửa ruộng bậc thang đầy cỏ non xanh mơn mởn, dưới gốc rạ sau vụ thu hoạch là đàn trâu lững thững gặm cỏ, một nhóm người đang chăn gia súc nói chuyện vui vẻ khiến bầu không khí nơi núi rừng tĩnh lặng trở nên sôi động, vui tươi hơn bao giờ hết.

Từ đầu năm 2020, xóm Quang Trung được sáp nhập từ các xóm: Nà Pùng, Khuổi Xả, Pác Tháy gồm 80 hộ với 3 dân tộc Dao, Tày, Nùng sinh sống. Trong đó, Nà Pùng có 27 hộ dân tộc Dao Tiền và 4 hộ dân tộc Dao Đỏ.

Tại nhà ông Đặng Tiến Páo, không khí Tết đã về, tranh thủ giờ nghỉ trưa, các cô, các chị tụ họp cùng nhau thêu thùa, mang những bộ quần áo dân tộc mới ra phơi nắng, ướm thử lại sao cho vừa đẹp nhất để mặc chơi Tết. Khung cảnh rôm rả như xua tan đi giá lạnh cuối đông. Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước quan tâm nên cuộc sống của người Dao ngày càng ấm no.

Rời nhà ông Páo, chúng tôi lần lượt ghé thăm các ngôi nhà sàn khác trong bản. Ở đây nhà nào cũng vậy, thóc đầy bồ, ngô chất đầy gác, dưới sàn lợn, gà, vịt kêu inh ỏi. Quang Trung là xóm có đường giao thông khá thuận lợi nên bà con đầu tư phát triển các loại hoa màu cho năng suất và giá trị kinh tế cao như cây thuốc lá, giống ngô, giống lúa lai mới.

Năm 2020, tổng diện tích trồng lúa 250 ha, năng suất bình quân đạt 7 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với những năm trước. Về chăn nuôi, tổng đàn trâu có 120 con, đàn bò 80 con, đàn lợn 189 con, đàn gà hơn 700 con. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 8 triệu đồng/người/năm.

Đối với người Dao, Tết Nguyên đán là Tết lớn trong năm và có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là dịp báo công ơn tổ tiên sau một năm mà còn là dịp gắn kết tình đoàn kết anh em, họ hàng, làng xóm láng giềng. Người con xa quê dù ở nơi đâu, cứ đến Tết là lại cùng nhau trở về với gia đình sum họp, chúc tụng nhau một năm mới làm ăn thuận lợi hơn. Dẫu rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, song những ngày Tết đến, Xuân về, bà con đều gác lại mọi bộn bề, lo toan, họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới.

Những ngày đầu xuân mới, đồng bào dân tộc Dao có truyền thống mừng tuổi các cháu nhỏ và đi thăm hỏi, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ hàng, người thân, bạn bè, xóm giềng như người dân muôn phương. Tuy nhiên, mâm lễ cúng ngày Tết của người Dao có nét đặc trưng riêng, với 3 mâm lễ cúng tại 3 thời điểm khác nhau, đó là: Mâm cơm báo Tết, mâm lễ cúng tổ tiên ngày Tết và mâm lễ cúng bên ngoại.

Mâm cơm báo Tết được đặt cúng vào đêm Giao thừa trước giờ ăn cơm tối, gồm 1 con gà trống hoặc gà thiến luộc, bún, “bánh lưng gù” đen (bánh có hình dạng giống bánh tét của người Kinh nhưng có màu đen của gio) và bánh gai. Khoảng 16 - 18 giờ chiều đặt mâm cơm ra bàn ăn theo hướng vào bàn thờ, rồi gia chủ đứng trước mâm cơm báo tổ tiên đã đến Tết.

Mâm lễ cúng tổ tiên ngày Tết gồm: 1 bát con thịt lợn tươi sống, 4 chiếc bánh lưng gù đen, 1 bánh bột nếp rán to (khoảng 1 kg), bánh kẹo, hoa quả. Mâm cỗ được gia chủ đặt lên bàn thờ tổ tiên thắp hương hằng ngày từ thời khắc Giao thừa đến hết ngày 15 tháng Giêng.

Đến ngày mùng 4 Tết, gia đình làm một mâm cỗ mới gồm: 1 con gà, bún, bánh gai, bánh lưng gù hấp mới lại. Mâm cỗ lễ này được đặt ở mâm ăn cơm của gia đình theo hướng cửa ra vào với ý nghĩa là mâm báo công, tạ ơn tổ tiên bên ngoại của gia đình.

 Đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Nà Pùng, xóm Quang Trung, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Nét đặc sắc nhất trong mâm cỗ ngày Tết của người Dao Tiền là món bánh bột nếp rán to trong mâm cỗ thờ cúng tổ tiên. Đây là món ăn có truyền thống từ lâu đời của người Dao nơi đây, bánh mang ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới ấm no, đủ đầy.

Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc Dao chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và trong lễ hội. Năm 2020, trên 70% hộ gia đình xóm Quang Trung đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 14 hộ đạt gia đình văn hóa tiêu biểu.

Nhân dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa cộng đồng, các công trình phục vụ sản xuất với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Quan hệ xóm làng gần gũi, thân thiết, giao tiếp ứng xử với nhau trong cộng đồng dân cư hòa nhã, cởi mở, tình làng, nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt hơn; con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; đặc biệt là có nét đẹp truyền thống khi trong làng có tang gia, tai nạn rủi ro, bà con đóng góp ngày công cũng như cơ sở vật chất để ủng hộ, động viên, giúp đỡ.

Theo tục lệ của người Dao, các gia đình sẽ hoàn thành mọi công việc chuẩn bị Tết trước thời khắc giao thừa, để khi bước sang năm mới họ sẽ “kiêng” 3 ngày không đi nương rẫy. Trong những ngày này, từ đầu làng đến cuối làng, nhà nào cũng có một đống lửa để sưởi ấm ở sân, phụ nữ thì ngồi xung quanh chuyện trò và thêu áo. Đàn ông thì uống rượu, đổi chén chúc tụng nhau, rồi lần lượt cùng nhau đi từng nhà để chúc Tết, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Tại các bãi đất trống trong làng, thanh niên và trẻ em tập trung cùng nhau chơi các trò chơi dân gian như: chơi cù, ném còn, đá cầu, nhảy dây… Đến ngày hội xuân của xã, của huyện, bà con trong bản kéo nhau đi trẩy hội. Sau khi kết thúc hội xuân vào ngày 15 tháng Giêng, mỗi nhà đều làm mâm cỗ thắp hương cúng, đốt tiền vàng để kết thúc những ngày vui chơi và bắt tay vào vụ  mùa lao động sản xuất mới.

Hà Điệp