Bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề của đồng bào ngay từ cơ sở

(Mặt trận) - Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Dân tộc quan tâm đến một số vấn đề của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, cần bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề của đồng bào ngay từ cơ sở, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các địa bàn xung yếu, biên giới và hải đảo.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Quang cảnh Hội nghị 

Đây là đề nghị của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry tại Hội nghị Sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và định hướng triển khai giai đoạn 2026-2030 do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Ủy ban Dân tộc tổ chức tại TP. Cần Thơ, sáng nay, 3.7.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Nam có 308 xã (chiếm 8,97% xã được phân định của cả nước) tại 13 tỉnh, trong đó có 356 xã đặc biệt khó khăn, chiếm 2,69% số xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước. Dân số của cả khu vực khoảng hơn 17 triệu người, trong đó có hơn 1,7 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 9,94%. Phần đông đồng bào dân tộc thiểu số khu vực này sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu, như xâm nhập mặn, hạn hán... Tỷ lệ giảm nghèo trong dân tộc thiểu số năm 2023 giảm bình quân 1,89%.

Giai đoạn 2021 - 2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình đến cuối tháng 5 vừa qua của 13 tỉnh khu vực phía Nam là 701,658 tỷ đồng, đạt 25,92%, trong đó giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 504,232 tỷ đồng, tương đương 22,32%; các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương tự cân đối giải ngân đạt 197,426 tỷ đồng, tương đương 44,09%. Một số tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân khu vực và bình quân của cả nước (18,28%) là Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh. 

Mặc dù Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới được triển khai thực hiện tại các địa phương từ nửa cuối năm 2022, nhưng bằng nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương, thông qua việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, một số chỉ tiêu ước đến ngày 31.12.2023 sẽ hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, có những chỉ tiêu về tỷ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác về con người mà khu vực phía Nam đã đạt và vượt so với các khu vực khác là tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi.

Bổ sung, điều chỉnh cơ chế riêng đối với các tỉnh ĐBSCL

Các đại biểu tham dự Hội nghị thảo luận về chủ trương, định hướng tổng thể của các chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030, những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc của việc triển khai chủ trương lồng ghép, phối hợp triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay tổng số văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện do các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG lên tới 118 văn bản, trong đó có 93 văn bản do cấp bộ, ngành hướng dẫn. Việc có quá nhiều văn bản hướng dẫn, dẫn đến các tỉnh lúng túng, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Đại diện tỉnh An Giang đề nghị cần điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16.9.2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 -2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung 10 thôn, ấp có số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng đạt từ 15% trở lên hiện chưa được công nhận.

Đại diện tỉnh Trà Vinh cho rằng, các chỉ tiêu định mức chưa cụ thể, kéo dài từ năm 2021 đến 2023, tạo khoảng trống về cơ chế, gây lúng túng cho địa phương trong triển khai thực hiện. Việc lồng ghép vốn của 3 Chương trình MTQG còn vướng về quy trình, thủ tục hành chính. Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, Trà Vinh kiến nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia cần tham mưu với Chính phủ điều chỉnh Quyết định 1719 - QĐ/CP trong giai đoạn 2021- 2025 theo hướng: áp dụng phạm vi hưởng lợi của Chương trình theo khoản 1, mục II cho tất cả các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung của Chương trình.

Đại diện tỉnh Sóc Trăng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 3 tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng, đối với các xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kể từ ngày quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực sau thời điểm giao vốn năm, thì tiếp tục được đầu tư theo phân bổ giao vốn của năm thuộc Chương trình và các chính sách khác. Xem xét, bố trí vốn cho một số dự án, tiểu dự án, nội dung hỗ trợ trực tiếp theo nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn hàng năm của tỉnh. Đồng thời, xem xét mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Các đại biểu cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất bằng với mức ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất. Ban hành cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh khu vực ĐBSCL (cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần so với định mức chung của Chương trình) để thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số các tỉnh trong khu vực. Điều này sẽ giúp bảo đảm phù hợp hơn với suất đầu tư thực tế của vùng, giúp các địa phương có thêm nguồn lực hỗ trợ đầu tư nhiều công trình hạ tầng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu. 

Ghi nhận nhưng kết quả ban đầu đạt được, song theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, thời gian qua, đồng bào thiểu số vùng ĐBSCL vẫn thiếu hụt một số chỉ số dịch vụ xã hội so với bình quân chung cả nước, như: Chỉ số thiếu hụt về việc làm: 52,50% (cả nước 36,09%); bảo hiểm y tế 77,59% (cả nước 55,65%); Chất lượng nhà ở 37,80% (cả nước là 30,04%). Thực trạng này đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Ủy Ban Dân tộc và lãnh đạo các địa phương tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính như: Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, thu hút, ưu đãi cán bộ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và nhiều chính sách khác. Triển khai và giải ngân nhanh hơn nữa nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các Chương trình MTQG; cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình với nội dung dễ hiểu, có thể áp dụng trong thực tiễn. Cùng với đó, việc phân bổ nguồn vốn giữa các Chương trình phải thật sự hợp lý, tránh "dồn quá nhiều" cho xây dựng cơ sở hạ tầng mà xem nhẹ các dự án, chính sách về sinh kế, sản xuất, vốn tín dụng có tác động trực tiếp đến con người. Đồng thời, tập trung hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 như yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết của Quốc hội. Tránh chồng chéo trong hoạt động giữa ba chương trình MTQG trên cùng một địa bàn; cụ thể, rõ ràng hơn về cơ chế về phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến của Đoàn và các đại biểu tham dự Hội nghị; cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình  MTQG và đi sát hơn vào thực tế. Bộ trưởng cũng đề nghị, các địa phương bổ sung báo cáo theo hướng ngày càng sát thực tế với số liệu chính xác. Đây là cơ sở để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc sắp tới cũng như báo cáo Quốc hội những nội dung liên quan đến hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, kịp thời kiến nghị Quốc hội điều chỉnh tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.