Bạc Liêu:Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang trên đà phát triển ổn định và toàn diện. Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần mà bản sắc văn hóa, sự đoàn kết giữa các dân tộc cũng ngày càng gắn kết và được giữ gìn, góp phần làm cho diện mạo làng quê nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống sung túc, thay da đổi thịt từng ngày.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Diện mạo nông thôn xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống ngày càng đổi mới. Ảnh: C.L

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS

Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng đến công tác chăm lo, ổn định và tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS phát triển. Các cấp ủy, chính quyền đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thực thi hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) sâu sát với tình hình thực tế. Người dân vùng đồng bào DTTS cũng đã tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Mặt khác, công tác giáo dục - đào tạo đối với đồng bào dân tộc luôn được quan tâm, đầu tư, vận động các em đến trường đúng độ tuổi, cơ sở vật chất, trường học đảm bảo duy trì các hoạt động dạy và học, các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, chính sách cử tuyển… được thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có 13 trường, 70 lớp tổ chức dạy tiếng DTTS (Khmer, Hoa) cho 1.788 học sinh.

Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa các DTTS luôn được bảo tồn, giữ gìn cốt cách văn hóa bền vững của các dân tộc; hạ tầng, thiết chế phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc được hoàn thiện; công tác đầu tư hạ tầng y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS luôn được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được khám, chữa bệnh. Công tác vận động bà con DTTS tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Vì người nghèo”... cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn chú trọng, quan tâm thực hiện.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách dân tộc

Thực hiện Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực hiện Chương trình này với nguồn vốn giải ngân gần 31 tỷ đồng. Theo đó, đã hỗ trợ xây dựng 379/393 căn nhà; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 628 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 225 hộ; hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.200 lao động; tập trung sửa chữa, nâng cấp Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng Khmer cho gần 300 cán bộ. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 50 thiết chế văn hóa, thể thao tại các ấp có đông đồng bào DTTS; hỗ trợ mua 19.400 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...

Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đời sống vật chất lẫn tinh thần đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024, tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư có trọng tâm, hiệu quả hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng DTTS; hỗ trợ hộ DTTS nghèo, cận nghèo về kiến thức khoa học - kỹ thuật, tư liệu sản xuất..., góp phần giúp đời sống của đồng bào các DTTS ngày càng khởi sắc và đổi mới.

M.L