Bạc Liêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc Khmer

(Mặt trận) -Với hơn 17.000 hộ, trên 74.000 nhân khẩu, người Khmer chiếm 7,8% dân số của tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các ngành, các cấp tỉnh Bạc Liêu luôn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên. Diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc, tạo nên sức sống mới ở các vùng có đông đồng bào dân tộc.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng của người Khmer.

Phum sóc đổi thay từng ngày

Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nơi đây có chùa Kosthum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 2008. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa từng che chở cán bộ, chiến sĩ và cũng là ngôi chùa có nhiều nhà sư tham gia chống giặc ngoại xâm. Chùa Kosthum được xem như một "địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên, đồng thời là niềm tự hào của đồng bào Khmer huyện Hồng Dân.

Những ngày này, người Khmer ở đây nô nức chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của dân tộc. Ông Sơn Phết, nông dân ở đây tự hào cho biết, qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Ninh Thạnh Lợi đổi thay rõ nét, nhất là về hạ tầng nông thôn. Nhiều tuyến đường bê tông đã được xây dựng nối liền các xóm ấp, ô tô đến tận các nơi. Nhờ vậy, việc đi lại của người dân dễ dàng, hàng hóa cũng không còn chịu cảnh bị ép giá như trước. Đường sá thông thoáng, nhà xây thay nhà lá mọc lên khắp phum sóc. Đồng bào dân tộc hiện nay không chỉ chăm chút cho vẻ đẹp cổ kính của các ngôi chùa Khmer- biểu tượng về văn hóa tín ngưỡng của mình, mà còn quan tâm đến nhà cửa, đường làng, ngõ xóm xanh sạch đẹp.

 Đường giao thông nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được bê tông hóa.

Không riêng vùng quê Ninh Thạnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu còn có nhiều vùng quê có đông đồng bào Khmer sinh sống đang thay da đổi thịt từng ngày. Kết quả này có được, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước còn là sự nỗ lực của đồng bào dân tộc. Tư duy đổi mới, biết làm giàu cho gia đình, làm đẹp cho xã hội, nâng cao ý thức, đồng hành cùng chính quyền xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc.

Tại thị xã Giá Rai, để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bà con không chỉ hiến đất làm đường, làm cầu, mà còn hưởng ứng xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thực hiện cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Bà Thạch Thị Lan, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai chia sẻ, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống của người Khmer ở đây đã tốt lên rất nhiều, Nhà nào cũng có thu nhập từ nghề trồng lúa kết hợp chăn nuôi. Các phương tiện, trang thiết bị máy móc phục vụ đời sống sinh hoạt, ngày càng được nhiều gia đình mua sắm, chẳng khác mấy so với thành thị.

Nói về những chính sách đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, ngoài các chủ trương chính sách chung, địa phương còn quan tâm triển khai nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc. Đặc biệt là ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông, tất cả khóm, ấp có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thị xã đều hoàn thiện đường giao thông nông thôn thông thoáng, thuận lợi cho bà con đi lại cũng như giao thương hàng hóa.

Để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy, trung bình mỗi năm, tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển sản xuất giúp đồng bào Khmer nâng cao đời sống.

 Nông dân Khmer trồng dưa lưới phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi. Theo thống kê, trong 5 năm qua, 1.135 hộ người Khmer nghèo được vay vốn hơn 14 tỷ đồng được đầu tư cho phát triển kinh tế. Nguồn vốn này đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Nếu như cuối năm 2019, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 548 hộ (chiếm 17,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh), đến nay còn 200 hộ (chiếm 5,83%).
Nâng cao đời sống tinh thần

Tỉnh Bạc Liêu quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tính từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã đưa gần 100 sinh viên là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học tại các cơ sở giáo dục trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo chế độ cử tuyển. Bạc Liêu hiện có hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị ở các cấp. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hộ gia đình Khmer cũng ngày càng tạo điều kiện để con em mình được học hành đến nơi đến chốn.

Cùng với việc chăm lo đời sống kinh tế, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, nhất là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện có 22 chùa Khmer. Với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, các chùa Khmer trong tỉnh đều được chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp quan tâm tạo điều kiện tốt thực hiện các nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm nhạc cụ ngũ âm, đóng mới và sửa chữa ghe ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa. Ngoài ra, nhiều ngôi chùa, các Salatel (nơi để bà con Khmer sinh hoạt văn hóa cộng đồng) trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ sinh hoạt, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng dân tộc Khmer của tỉnh Bạc Liêu ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là cơ sở để tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu. Cùng với đó là đẩy mạnh các chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Qua đó tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có đồng bào Khmer.

Bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần chung vào sự phát triển của địa phương ngày thêm giàu đẹp.

Tuấn Kiệt