Bạc Liêu: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp người dân vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Nghề trồng rau, màu giúp cho nhiều hộ gia đình người Khmer tại Bạc Liêu tăng thu nhập.

Giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Ninh Thạnh Lợi là xã vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Từng là vùng đất phèn mặn, người dân chịu khó lao động, sản xuất nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đổi các mô hình sản xuất, đời sống của đồng bào thay đổi từng ngày.

Đến với xã Ninh Thạnh Lợi giờ đây, mọi người đều khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu. Các tuyến đường trục chính của xã không chỉ được xây dựng rộng rãi, phong quang mà còn được điểm tô bởi hoa tươi đầy màu sắc làm cho bức tranh làng quê đầy sức sống.

Ông Danh Lươl, người dân ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi cho biết: So với trước đây, đời sống của đồng bào Khmer đã đổi thay rất nhiều, hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng thông thoáng, khang trang. Điện, nước sinh hoạt về từng nhà, y tế, giáo dục phát triển vượt bậc. Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đời sống hầu hết đồng bào Khmer trên địa bàn đã có bước chuyển biến rõ nét.

Gia đình ông Danh Thuận là gia đình dân tộc Khmer ở ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân canh tác rau màu. Những lúc cao điểm, có ngày ông Danh Thuận bán hàng chục kg rau cho thu nhập từ vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng.

Ông Danh Thuận chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình đã đầu tư xây dựng thêm mái che bằng lưới, giúp rau phát triển tốt hơn ở vùng nước mặn trong mùa nắng nóng. Nhờ vậy, nguồn thu nhập đã ổn định quanh năm, có thêm điều kiện lo cho cái học hành.

Ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh có hơn 95% dân số là người Khmer, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tỉnh Bạc Liêu. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được triển khai để giúp người dân thay đổi suy nghĩ, chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Hiệu quả từ chính sách dân tộc

Theo thống kê, Bạc Liêu có hơn 17.000 hộ gia đình Khmer với trên 74.000 nhân khẩu (tương đương 7,57% dân số của tỉnh). Thời gian qua, địa phương luôn nhất quán chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Những chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả. Đặc biệt là sự kết hợp giữa các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với các nguồn vốn dành cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh đã đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Lương Văn Pho - Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết, các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên. Hiện các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế, Đài truyền thanh và có trường học kiên cố.

Theo Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính riêng năm 2022, địa phương đã đầu tư tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp thụ hưởng trên 27 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, đào tạo nghề. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, vận động xây dựng 18 căn nhà cho hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở; tặng quà cho hàng ngàn hộ khó khăn nhân các ngày lễ, Tết.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng dân tộc Khmer của tỉnh Bạc Liêu ngày càng khởi sắc. Những tuyến đường đất giao thông khó khăn ngày nào được thay bằng đường nhựa, bê tông, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên san sát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

N.D