(Mặt trận) -Thời gian qua, song song với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có đông đồng bào Khmer sinh sống còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Qua đó đã giúp đồng bào ổn định sinh kế trong mùa dịch.
|
Bà Ong Kim Huê chăm sóc rẫy hoa màu của gia đình. Ảnh: C.L |
Hơn nửa tháng nay, đồng bào Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) tập trung cải tạo đất và xuống giống các loại hoa màu để chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ thị trường tết. Để kịp thời hỗ trợ đồng bào trong việc đầu tư sản xuất và sản xuất có hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, xã còn tận dụng các chương trình, dự án được Nhà nước hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất cho nông dân. Điển hình là việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa; cải tạo vườn tạp, bờ bao để trồng các loại hoa màu…
Cùng với đó, xã ưu tiên thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) ở những ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống để giúp bà con từng bước làm quen với cách làm kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa tập trung, giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi sản xuất và mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, sản xuất theo quy trình VietGAP…, thu hút khá đông đồng bào Khmer tham gia và tạo được sự chuyển biến về thay đổi phương thức sản xuất của nông dân so với trước đây. Bà Ong Kim Huê (ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Lúc trước, trồng rẫy hay làm lúa gì cũng vậy, cứ thấy màu lúa hay hoa màu không được đẹp mắt là nông dân chúng tôi sử dụng phân thuốc liền. Nhưng từ khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi làm vừa thấy hiệu quả mà chi phí cũng ít hơn trước rất nhiều”.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, công tác bảo tồn các ngành nghề truyền thống trong phum sóc cũng được đặc biệt quan tâm. Đơn cử như để giúp đồng bào gắn bó với nghề, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, HTX đan đát Trúc Xanh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) được thành lập và thu hút nhiều thành viên tham gia. Thành viên được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, có đầu ra ổn định, không phải trông chờ vào thương lái hay bị thương lái ép giá như trước nữa. Bên cạnh đó, HTX cũng liên kết với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh để giới thiệu và bán các sản phẩm đan đát thủ công mỹ nghệ cho du khách. Ông Nguyễn Hồng Khanh (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Cùng với công tác chống dịch, UBND từ huyện đến xã đều rất quan tâm đến việc hỗ trợ người dân Khmer phát triển sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào ở các phum sóc luôn ổn định”.
Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch, các địa phương luôn quan tâm và chăm lo cho đồng bào Khmer một cách kịp thời, chu đáo. Cũng từ đó, bà con càng thêm tin tưởng vào các quyết sách, hành động của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời tích cực thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, cũng như ra sức xây dựng phum sóc ngày càng giàu đẹp.
Chí Linh