Bắc Giang: Giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi an cư

(Mặt trận) -Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo cải tạo nhà ở. Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhiều công trình mới được sửa chữa, xây mới giúp đồng bào “an cư”, vươn lên thoát nghèo.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Hàng trăm hộ được hỗ trợ cải tạo, xây mới nhà ở

Vốn sức khoẻ yếu nên nhiều năm nay anh Lý Văn Khang (SN 1978), dân tộc Tày, trú tại thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) không thể làm những việc nặng, chỉ giúp đỡ vợ con những việc vặt trong gia đình. Khó khăn lại càng chồng chất khi đầu năm 2022, anh Khang mắc bệnh, thường xuyên phải đi điều trị. Mọi việc trong nhà đều do vợ lo liệu.

Theo anh Khang, cuộc sống khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền công ít ỏi từ việc đi làm phụ hồ của vợ nên lo cái ăn, cái mặc cho con là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, dù phải sống trong ngôi nhà cấp 4 dột nát, nền đất (xây dựng từ năm 1994) song gia đình cũng không có điều kiện để sửa chữa, cải tạo. Đúng lúc khó khăn nhất, cuối năm 2022, gia đình được hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi để cải tạo nhà ở. “Từ số tiền này, gia đình tôi đã thay được mái ngói mới, gia cố tường, lát nền nhà và quét vôi, ve toàn bộ ngôi nhà. Giờ đây mỗi khi mưa bão, cả gia đình không còn phải nơm nớp lo ngôi nhà bị sập, tôi cũng yên tâm điều trị bệnh”, anh Khang nói.

   Từ nguồn hỗ trợ, gia đình anh Lý Văn Chính, thôn Lọ, xã Lệ Viễn (Sơn Động) có điều kiện cải tạo nhà ở

Thực hiện dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, năm 2022, các địa phương thực hiện hỗ trợ 285 hộ cải tạo, xây mới nhà ở với tổng số tiền hơn 11,3 tỷ đồng. Ghi nhận tại huyện Sơn Động, để hỗ trợ 79 hộ DTTS, hộ người Kinh nghèo tại 16 xã, thôn đặc biệt khó khăn làm nhà ở, ngoài kinh phí hỗ trợ của trên, UBND huyện vận động các nhà hảo tâm ủng hộ mỗi gia đình từ 20-30 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ các hộ lập hồ sơ từ sớm, kịp thời giải ngân vốn vay cho các hộ có nhu cầu. Nhờ làm bài bản, chặt chẽ các khâu nên đến ngày 31/12/2022, huyện đã hoàn thành giải ngân vốn cho 79 hộ, tạo điều kiện cho các hộ triển khai xây dựng. 

Anh Lý Văn Chính (SN 1988), dân tộc Sán Chí, thôn Lọ, xã Lệ Viễn (Sơn Động) cho hay: “Nếu không có chủ trương của Đảng, Chính phủ thì có lẽ vợ chồng tôi sẽ không có nhà đẹp và phải sống ở trong ngôi nhà 5 gian vách đất thêm nhiều năm nữa. Giờ có nhà mới kiên cố, chúng tôi không phải lo về chỗ ở nữa, chỉ lo làm ăn cho no ấm thôi”.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 giảm hơn 3% tỷ lệ hộ nghèo người DTTS/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 10 dự án; trong đó có hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ 884 hộ nghèo người DTTS, hộ người Kinh nghèo sống tại vùng đặc biệt khó khăn cải tạo nhà ở. Thông qua thực hiện chương trình, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng DTTS và miền núi năm 2022 giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm nghèo đến hơn 10%).

Từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, kết thúc năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng DTTS và miền núi giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm nghèo hơn 10%).

Ngoài nguồn lực của T.Ư, tỉnh, các địa phương đều có những giải pháp phù hợp tiếp sức cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi. Đồng hành cùng 8 trường hợp được hỗ trợ trong năm nay, UBND xã Nghĩa Phương giao cho các ngành, đoàn thể phụ trách nhằm huy động đoàn viên, hội viên đóng góp ngày công giúp đỡ các gia đình. Điều này không chỉ tăng trách nhiệm của các ngành mà còn bảo đảm các hộ đều nhận được sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. 

Hay như để đồng bào hưởng lợi tối đa, năm nay, UBND huyện Sơn Động chuyển toàn bộ những diện hỗ trợ nhà ở theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi sang nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, kinh phí hỗ trợ các hộ cải tạo nhà ở tăng từ 44 triệu đồng/hộ lên 70 triệu đồng/hộ; Uỷ ban MTTQ huyện cũng vận động, giúp đỡ thêm 30 triệu đồng/hộ. 

Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu của tổ chức Diva (Hàn Quốc), UBND huyện Sơn Động giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng nhà mẫu theo số nhân khẩu của các hộ (diện tích, tổng kinh phí). Dựa trên nhà mẫu, hiện tổ chức Diva đã triển khai hỗ trợ điểm đối với 5 hộ (toàn bộ kinh phí còn thiếu theo nhà mẫu) và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với những trường hợp còn lại nếu phát huy hiệu quả. Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nói: “Các chính sách được triển khai như làn gió mới đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo động lực để các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên so với các địa bàn khác, đời sống người dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa”.

Sỹ Quyết