Bắc Giang: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư

(Mặt trận) -Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 giúp nhiều hộ được an cư trong ngôi nhà mới. Quá trình thi công, các cấp ngành, địa phương cùng với gia đình kịp thời tháo gỡ vướng mắc để các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đáp ứng tiêu chí 3 “cứng”

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 40 tỷ đồng hỗ trợ 208 hộ xây nhà ở (mức hỗ trợ 44 triệu đồng/nhà); giúp hàng nghìn hộ DTTS, dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống vùng đồng bào DTTS và miền núi chuyển đổi nghề, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Những ngôi nhà ở bảo đảm tiêu chí 3 “cứng” (nền cứng - khung, tường cứng - mái cứng); vị trí xây dựng trên nền nhà cũ hoặc đất mới, phù hợp với quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương. Việc triển khai chính sách diễn ra chặt chẽ, bình xét công khai dưới sự giám sát của đại diện MTTQ xã và các tổ chức chính trị xã hội ở thôn để chọn đúng đối tượng. Cách làm này bảo đảm tính công khai, minh mạch, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cùng các đơn vị tài trợ trao kinh phí hỗ trợ cho hộ bà Phạm Thị Bé xây nhà mới. 

Ông Nguyễn Văn Thú, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lục Nam cho hay, theo tính toán, chi phí để xây dựng một căn nhà kiên cố phải huy động từ 250 triệu đồng trở lên đến vài trăm triệu đồng. Số tiền 44 triệu đồng từ ngân sách không đủ xây dựng song mang ý nghĩa lớn, khơi dậy các nguồn lực khác trong cộng đồng. Mấy tháng nay, bà Phạm Thị Bé, dân tộc Dao ở thôn Gốc Dẻ, xã Lục Sơn (Lục Nam) và các con cháu phấn khởi khi được về ngôi nhà mới. Gia đình bà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hai con chậm phát triển nên bao năm phải ở trong căn nhà xập xệ. 

Khi gia đình được địa phương đưa vào danh sách hỗ trợ xây nhà với số tiền 44 triệu đồng, bà vẫn lo lắng vì không xoay xở đủ kinh phí đối ứng xây nhà kiên cố. Nhận thấy khó khăn đó, Ban Dân tộc tỉnh vận động một số đơn vị hỗ trợ thêm được 15 triệu đồng; các đoàn thể ở địa phương chung tay giúp đỡ ngày công, gạch, cát, sắt, xi măng, mái tôn. 

Quá trình thi công, xã giao cho cán bộ MTTQ xã phối hợp với Ban phát triển thôn thường xuyên có mặt tại gia đình để giám sát chất lượng nguyên vật liệu mua vào, kỹ thuật và tiến độ xây dựng. Cuối năm 2023, ngôi nhà vững chắc rộng gần 70 m2 đáp ứng tiêu chí 3 “cứng” hoàn thiện được địa phương thẩm định, nghiệm thu và bàn giao cho gia đình sử dụng. Được biết, năm 2023, huyện Lục Nam có 44 hộ được hỗ trợ xây nhà mới, kinh phí hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng.

Xác định chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi là giải pháp căn cơ hướng tới mục tiêu bảo đảm an sinh vững bền, cùng với huy động các nguồn lực trong cộng đồng, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ các gia đình tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng. Tại xã Phong Vân (Lục Ngạn), qua giám sát, cán bộ cơ sở phát hiện 7 hộ trong diện hỗ trợ xây nhà gặp vướng mắc về thủ tục đất đai. 

Người dân vùng đồng bào DTTS còn hạn chế kiến thức pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường. Xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn từng bước giúp các hộ hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, khẩn trương làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ hộ trước khi khởi công. Với cách làm đó, cả 15 ngôi nhà mới xây năm vừa qua đều bảo đảm tiêu chí 3 “cứng” và các thủ tục theo quy định.

Ngoài hỗ trợ xây nhà, Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi còn giúp nhiều hộ có kinh phí mua sắm thiết bị sản xuất, tạo sinh kế ổn định, tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Phổ biến là các loại máy hỗ trợ bà con trong sản xuất nông nghiệp, trồng và khai thác rừng như: Máy cày, máy phát cỏ, máy cưa, máy bơm nước đa năng. 

Một số nơi hỗ trợ các hộ mua máy may công nghiệp, máy nghiền thực phẩm… . Kinh phí hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/thiết bị/hộ, số còn lại gia đình đối ứng. Khảo sát tại nhiều địa phương đang triển khai dự án, hầu hết các phương tiện, thiết bị hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình nên sau khi bàn giao đã nhanh chóng phát huy hiệu quả sử dụng.

Không để chồng chéo

Toàn tỉnh có 257 nghìn người DTTS, 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặc dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước song nhìn chung tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực này còn cao so với bình quân toàn tỉnh. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu giảm hơn 3% hộ nghèo người DTTS/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn lực T.Ư hỗ trợ, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ngành, địa phương tập trung cao đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách.

Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 586 tỷ đồng (vốn T.Ư hơn 488 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh đối ứng). Trong số này, tỉnh phân bổ 39,3 tỷ đồng cho các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang khắc phục tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Năm nay, tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 586 tỷ đồng (vốn T.Ư hơn 488 tỷ đồng còn lại ngân sách tỉnh đối ứng). Trong số này, UBND tỉnh phân bổ 39,3 tỷ đồng cho các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang khắc phục tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng 200 hộ được hỗ trợ xây nhà, 12,6 nghìn hộ được chuyển đổi nghề và 17,7 nghìn hộ được tiếp cận với nước sạch sinh hoạt. Đây là nguồn lực đáng kể giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa cải thiện chất lượng đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: “Các địa phương tiếp tục chủ động huy động tối đa các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, trong đó có chương trình dành cho đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ. 

Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, tiểu dự án bám sát kế hoạch, thực hiện đúng, đủ nội dung hỗ trợ. Việc triển khai cần bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, xác định rõ mục tiêu để lựa chọn nội dung, công trình hỗ trợ thiết yếu, phù hợp với đặc thù KT - XH của địa bàn và tập quán sản xuất”.

Mai Toan