Bắc Giang: Đồng hành hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách vùng miền

(Mặt trận) -Ngày 28/11, tại huyện Lục Ngạn, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Huyện ủy Lục Ngạn tổ chức gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại với 200 người có uy tín (NCUT) tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động và Lục Nam.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Các đồng chí: Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang; Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn đồng chủ trì.

Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có gần 260 nghìn người DTTS, UBND tỉnh Bắc Giang công nhận 523 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc 78 xã tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.

 Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Những năm qua, diện mạo khu vực miền núi đã có sự đổi thay tích cực, tăng trưởng và phát triển mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Sơn Động tăng bình quân 13%/năm, huyện Lục Nam hơn 10%, huyện Lục Ngạn hơn 8,5%; thu nhập bình quân của hộ DTTS đạt khoảng 65 triệu đồng/hộ/năm.

Có được kết quả này, cùng với sự quan tâm đầu tư của T.Ư, tỉnh, đồng bào các DTTS phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, đội ngũ NCUT thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội với nhân dân.

Trao đổi tại buổi đối thoại, các đại biểu vui mừng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng; đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Một số ý kiến nêu, ngoài 73 xã thuộc vùng DTTS và miền núi được thụ hưởng chính sách từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 20 thôn có hơn 15% dân số là người DTTS sinh sống song không được thụ hưởng chương trình. Do đó, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ các thôn phát triển kinh tế, công nhận NCUT tại các thôn.

Theo ông Đinh Văn Chanh, dân tộc Tày, thôn Dần 3, xã Hữu Sản (Sơn Động), dù đã có những thay đổi tích cực song đời sống người dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, nhiều khu vực bị chia cắt mỗi khi có mưa lớn. Tại một số địa phương, người dân đang gặp khó khăn về đất ở, nhiều hộ phải sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Do đó, cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch, di dời các hộ tại khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới, an toàn. 

Đối với hoạt động của NCUT, một số ý kiến nêu, thực tế NCUT tham gia nhiều hoạt động ở cơ sở, đa số không có lương hưu, phụ cấp nên gặp khó khăn nhất định trong phát huy vai trò, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Do đó đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại cho NCUT; tạo điều kiện cho NCUT đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương, từ đó tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò tại địa phương.

Liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Chu Văn Giáp, dân tộc Sán Dìu, thôn Tân Giáo, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) đề nghị trước khi thực hiện các công trình, các địa phương cần thông tin rõ các bước cũng như tiến trình thực hiện để người dân nắm rõ, từ đó phát huy tốt vai trò chủ thể. Đối với địa bàn miền núi, cần linh động trong thực hiện các tiêu chí, huy động thêm sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tạo đà cho các địa phương bứt phá.

Một số ý kiến băn khoăn, dù được bố trí nguồn lực xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng DTTS song đến nay nhiều công trình không phát huy hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, bảo đảm người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước an toàn, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư, doanh nghiệp cần tổ chức họp với cấp ủy, ban quản lý thôn, bản và NCUT để nắm bắt nguyện vọng cũng như vị trí xây dựng cho phù hợp.

Có ý kiến nêu, vùng DTTS có nhiều lợi thế để phát triển du lịch song chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế. Do đó, trong chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, cơ quan chuyên môn cần quan tâm đào tạo nghề du lịch cho đồng bào; hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở những thôn, bản chưa có; tạo điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế...

Luôn đồng hành, hỗ trợ 

Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Vi Thanh Quyền thông tin, giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án của Chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, trong đó ngân sách trung ương hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 241 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã, nguồn vốn khác.

Trong đó có dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, phát triển du lịch...

Về chính sách đối với NCUT, tỉnh cũng dành hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng, nâng cao chất lượng NCUT và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ này. Do đó, trong giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm cho NCUT.

Về đề xuất công nhận NCUT tại các thôn có từ 15% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, đồng chí đề nghị các địa phương căn cứ vào nhu cầu, tình hình thực tế để lựa chọn, đề xuất để Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh công nhận NCUT trong cộng đồng.

Giải đáp ý kiến, đề xuất của NCUT, đồng chí Trần Công Thắng tiếp thu, đồng thời hứa sẽ tổng hợp, phân loại và có văn chuyển đến các địa phương, ngành để giải quyết theo thẩm quyền. 

Đối với ý kiến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tiếng nói của đồng bào, đồng chí thông tin sẽ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa giảng dạy tiếng dân tộc trong các nhà trường. Tuy nhiên, để giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình, NCUT cần nêu cao trách nhiệm, mở các lớp truyền dạy cho các thế hệ sau; các địa phương quan tâm giữ gìn nhà sinh hoạt cộng đồng truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Đối với xây dựng NTM, đồng chí cho biết, T.Ư, tỉnh đang tập trung cao hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các tiêu chí. Để tạo phong trào thi đua sôi nổi, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, NCUT cần phát huy vai trò, đẩy mạnh tuyên truyền đến đồng bào về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời mong muốn NCUT luôn đi đầu trong mọi phong trào, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa, phong tục, truyền thống... để đồng bào học tập, làm theo, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền.

Sỹ Quyết