(Mặt trận) -Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La đã dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện để các tín đồ, phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào lương-giáo đoàn kết, từ đó tạo sức mạnh “nội sinh” để phát triển hài hòa, hạnh phúc.
Tỉnh Sơn La hiện có 3 tôn giáo, với khoảng 26.000 tín đồ, phật tử đang tham gia sinh hoạt. Xác định tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La đã dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện để các tín đồ, phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào lương-giáo đoàn kết, từ đó tạo sức mạnh “nội sinh” để phát triển hài hòa, hạnh phúc.
Anh Vừ A Anh, một tín đồ đạo Tin Lành ở bản Hua Ngáy, xã Pá Lông, huyện Thuân Châu luôn tích cực lao động sản xuất, sống chan hòa, đoàn kết giúp đỡ bà con trong bản, trong xã phát triển kinh tế. Anh xác định, dù là lương giáo hay có tôn giáo nào, thì bản thân anh và gia đình vẫn luôn chấp hành nghiêm túc các quy ước, hương ước của bản, của xã mà các gia đình đã tham gia bàn thảo và ký cam kết thực hiện.
|
Đồng bào lương - giáo tại các bản làng ở Sơn La sống đoàn kết, gắn bó... tạo sức mạnh nội sinh để phát triển hài hòa, hạnh phúc. (Ảnh: Đức Tuấn) |
“Hương ước, quy ước và các quy định mình luôn phải tuân theo, phải chấp hành. Ví dụ như hiện tại Chính phủ đang kêu gọi ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19 thì điểm nhóm của mình cũng phải trích một phần tiền để ủng hộ. Kể cả người theo đạo hay không theo đạo cũng phải luôn đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau phát triển, chung sức chung lòng xây dựng bản làng phát triển”, anh Vừ A Anh chia sẻ.
Còn ở bản Nặm Luông, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn (Sơn La) có 42 hộ, gần 200 nhân khẩu thì có 23 hộ có đạo.
Ông Vừ A Dủa, Bí thư Chi bộ bản Nậm Luông cho biết, cả Chi bộ có 4 đảng viên thì có 2 người theo đạo. Suốt thời gian qua, mỗi đảng viên trong Chi bộ luôn phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng mía, cây ăn quả… cho thu nhập cao hơn, từ đó đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trước đây gần như cả bản thuộc diện hộ nghèo thì nay, số thuộc diện nghèo đa chiều chỉ còn 20 hộ.
“Đảng viên trong chi bộ họp cũng thường xuyên tuyên truyền là không được tuyên truyền đạo trái phép, phải chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống đoàn kết, phát triển”, ông Vừ A Dủa nói.
Xã Chiềng Chăn có gần 1.500 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu; trong đó có hơn 140 hộ, với gần 730 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông có đạo. Theo ông Lò Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Chăn, thời gian qua, đồng bào lương-giáo trên địa bàn luôn sống hòa thuận, trên tinh thần đoàn kết vì sự phát triển: “Hằng tháng, xã đều tổ chức giao ban với Bí thư Chi bộ, trưởng bản. Các ban ngành đoàn thể, từ Mặt trận đến Đoàn thanh niên, phụ nữ mỗi tháng cũng giao ban một lần, triển khai các nội dung đã họp xuống cho các Bí thư Chi bộ, trưởng bản và các tổ chức hội. Sau đó, quá trình họp bản thì tiếp tục tuyên truyền, vận động đảng viên và quần chúng nhân dân phải chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước đề ra là đồng bào theo, hay không theo tôn giáo luôn phải đoàn kết, phát triển”.
|
Tỉnh Sơn La hiện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. (Ảnh: C.T) |
Toàn huyện Mai Sơn hiện có hơn 4.400 tín đồ ở 20 xã, thị trấn có tôn giáo. Đến nay, có 6 điểm nhóm đạo Tin Lành ở huyện đã được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tập trung, bao gồm: điểm nhóm Tong Chiêng và Tong Tải B (xã Chiềng Chăn), điểm Búa Bon (xã Chiềng Lương), điểm Huổi Thùng, Huổi Thướn (xã Phiêng Cằm) và điểm Pặc Ngần (xã Chiềng Dong).
Ông Hà Văn Bình, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mai Sơn cho biết, công tác phát triển Đảng nói chung, trong đó có phát triển Đảng ở vùng đồng bào có đạo là 1 trong 19 chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Riêng đạo Công giáo, đến nay đã phát triển được 6 đảng viên, tất cả đều được kết nạp sau khi theo tôn giáo.
“Huyện Mai Sơn hiện nay có 31 tín đồ tôn giáo đã được kết nạp đảng viên. Qua nắm thông tin, các đảng viên đang tham gia sinh hoạt cũng chưa có khiếu nại, đơn thư vướng mắc đối với các đảng viên này. Mỗi đảng viên đều chấp hành các quy định của tổ chức Đảng, chưa có vấn đề gì liên quan đến mất an ninh trật tự, hay chống phá tổ chức, chống phá chính quyền…”, ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có khoảng 26 nghìn nhân khẩu theo tin đạo, bao gồm đạo Phật, đạo Tin Lành và đạo Công giáo. Thời gian qua, hoạt động tôn giáo, dân tộc trên địa bàn đối mặt với không ít khó khăn do trình độ nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; việc triển khai chính sách, pháp luật về tôn giáo còn một số bất cập do hoạt động tôn giáo trên địa bàn chủ yếu là tự phát, số chức sắc tự phong hoạt động không ổn định, chưa hình thành tổ chức rõ ràng…
Tuy nhiên, những đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của đồng bào theo đạo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết kịp thời, nên không phát sinh điểm nóng, bà con sống đoàn kết, tốt đời đẹp đạo.
“Kinh nghiệm của Sơn La là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các Huyện ủy, các tổ chức Đảng, đoàn thể khác, các tổ chức chính trị… đều phải vào cuộc trong việc quản lý về công tác tôn giáo. Đặc biệt chú ý quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người theo đạo để mình đáp ứng được một phần nào đó các nhu cầu của họ. Thứ 2 là phải tạo ra mối đoàn kết sâu sắc giữa người theo đạo và người không theo đạo, cũng như giữa các dân tộc với nhau, như vậy, kẻ xấu sẽ không thể vào để lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc được”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Nghị quyết của Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ từ 2020 - 2025 đặt ra là tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân…
Về các giải pháp trọng tâm được tỉnh chú trọng nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, ông Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La cho biết: “Thứ nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như đồng bào theo tôn giáo. Thứ 2 là tập trung cho việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở để nắm chắc tình ở cơ sở, trong đó có tình hình liên quan đến hoạt động tôn giáo. Từ đó có những biện pháp điều chỉnh, bổ sung phù hợp”.
Có thể thấy ở Sơn La, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo và các tín đồ hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam; bà con theo đạo hay không theo đạo trong từng thôn bản luôn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, sống đoàn kết, tạo sức mạnh “nội sinh” để phát triển, từng bước xóa đói, giảm nghèo vươn lên trong cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng thấp và vùng cao, sống tốt đời, đẹp đạo./.
Theo Xuân Thọ - Thu Thùy –VOV.VN