An Giang: Tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Từ tháng 7/2021 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn tỉnh An Giang đạt cơ bản các mục tiêu đề ra. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn dân, chương trình đã tác động tích cực về mọi mặt đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề và giải quyết việc làm

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh An Giang còn 14.872 hộ nghèo, chiếm 2,81%; 3.161 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 11,7%/tổng số hộ DTTS; 24.370 hộ cận nghèo, chiếm 4,61%. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo đã giảm 2,2% (từ 10,85% xuống còn 8,65%). Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh dự kiến giảm 1-1,2%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly cho biết, các dự án thuộc chương trình đã được triển khai theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện KTXH của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó góp phần vào thành công các dự án.

Theo đó, tỉnh đã đạt các kết quả bước đầu trong thực hiện các dự án thành phần (trong đó có các tiểu dự án) của chương trình năm 2022, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH tại huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Kết quả, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 263 hộ tham gia dự án (132 hộ nghèo, 109 hộ cận nghèo và mới thoát nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp). Tổ chức mở 179 lớp đào tạo nghề trình độ ngắn hạn cho 5.363 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, toàn tỉnh đã hỗ trợ và cấp 221.963 thẻ bảo hiểm y tế năm 2021 và 249.986 thẻ bảo hiểm y tế trong năm 2022 cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thực hiện miễn giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách người có công, DTTS. Riêng hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo, năm 2021 đã hỗ trợ 8.165 hộ và năm 2022 hỗ trợ 20.129 hộ.

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, nhằm mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chính sách này, năm 2021, doanh số cho vay đạt 957 tỷ đồng với 30.376 lượt khách hàng vay vốn (cho vay hộ nghèo 54,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 259,4 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 151 tỷ đồng, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 114 tỷ đồng). Con số cho vay năm 2022 đạt 1.257,4 tỷ đồng, với 36.047 lượt hộ được vay vốn (tăng 314,6 tỷ đồng so năm 2021). Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo… Ngoài ra, chính sách xã hội còn hỗ trợ các trường hợp là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, lao động làm việc ở nước ngoài có thời hạn, cho vay vùng DTTS và miền núi...

“Người nghèo nói chung được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, các dich vụ xã hội, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và quá trình phát triển KTXH nói chung. Đời sống tinh thần của người dân ược cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, như: Người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa… Việc đầu tư của nhà nước dành cho chương trình ngày càng tăng (giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến kinh phí thực hiện trên 908 tỷ đồng). Đồng thời, huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn, đặc biệt là huyện nghèo từ các nguồn kinh phí hỗ trợ và vốn huy động hợp pháp khác” - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly đánh giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo,  đồng bào DTTS. Việc thực thi chính sách giảm nghèo trong thời gian tới được tỉnh tập trung vào các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo. Tinh thần khi áp dụng các giải pháp là cần sự thống nhất, linh hoạt, bài bản và có chiến lược, chú trọng kết quả bền vững và lan tỏa giá trị “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dự kiến hỗ trợ 518 căn nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Trong đó, 449 căn xây mới, 69 căn sửa chữa, với kinh phí thực hiện hơn 21,2 tỷ đồng. Tỉnh nỗ lực cho mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm.

Mỹ Hạnh – Báo An Giang