An Giang nâng cao hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là chương trình giảm nghèo), tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nhất định, trên tinh thần vừa làm, vừa gỡ khó, xúc tiến các chương trình, dự án nhằm đem lại sự thụ hưởng kịp thời cho người nghèo.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh là 2,07%, dự kiến đến cuối năm 2024 giảm 0,5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) 8,68% trên tổng số hộ DTTS, dự kiến giảm 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%. Theo chuẩn đa chiều, người nghèo được hỗ trợ tích cực các chiều thiếu hụt về việc làm, y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt vệ sinh và thông tin.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly cho hay, các dự án thuộc chương trình giảm nghèo triển khai trên địa bàn tỉnh đã được triển khai theo đúng quy định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó góp phần vào thành công các dự án.

Đến ngày 20/8, chương trình giảm nghèo giải ngân được hơn 135 tỷ đồng, đạt 36,93% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 66,14% (giá trị giải ngân trên 88 tỷ đồng), vốn sự nghiệp đạt 22,04% (giá trị giải ngân trên 46 tỷ đồng). Mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo đạt được là tác động tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và quá trình phát triển KTXH nói chung. Đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, như: Người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào DTTS, vùng núi, vùng biên giới…

Điển hình, tại huyện nghèo Tri Tôn, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trong năm nay, tổng vốn đầu tư công được giao và phân bổ hơn 76,8 tỷ đồng thực hiện 25 công trình, đã giải ngân gần 60 tỷ đồng. Tổng vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo hơn 31 tỷ đồng, đã hỗ trợ được 146 căn/273 căn trong danh sách phê duyệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, việc thực hiện xây dựng, phát triển công trình cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu trên địa bàn huyện phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân hưởng lợi. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo nghị quyết đề ra.

 Đầu tư hạ tầng ở huyện nghèo Tri Tôn

Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, MTTQ các cấp trong tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Tính đến đầu tháng 8, theo báo cáo chưa đầy đủ, các cấp trong tỉnh tiếp nhận nguồn đóng góp tổng trị giá 163 tỷ đồng và số tiền đầu kỳ chuyển sang trên 33,68 tỷ đồng, nâng tổng giá trị trên 196,68 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ cất mới trên 1.000 căn nhà Đại đoàn kết, thăm hỏi và tặng quà cho hộ nghèo, trợ giúp khó khăn đột xuất… Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh duy trì Dự án nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản tạo sinh kế để hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo ở xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn).

Đến nay, dự án còn hỗ trợ 29 hộ, mỗi hộ 1 con bò giống, tổng số tiền ước tính 675 triệu đồng. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 110 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền 5,8 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình cách mạng vùng căn cứ khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Tri Tôn.

“Được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo các quy định và đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển KTXH địa phương.

Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương và địa phương cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ. Mặc dù, nguồn lực còn hạn chế nhưng vẫn bố trí nguồn lực của tỉnh thực hiện chương trình đảm bảo theo quy định (đối ứng 10%)” - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly nhận định.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành đồng bộ, phải sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn còn chung chung. Năm 2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến nay, Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn đối tượng người lao động có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, đa số người nghèo trình độ hạn chế, không có vốn, không đất sản xuất, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, trông chờ vào chính sách trợ giúp của nhà nước và cộng đồng xã hội. Một số địa phương chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thiếu các giải pháp phát huy sức mạnh cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội tham gia chương trình để đạt kết quả.

Cùng với công tác tuyên truyền, giải pháp thời gian tới được tập trung là chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giảm nghèo. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo. Đối với các cơ quan, đơn vị và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, tỉnh yêu cầu có kế hoạch cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo kế hoạch đề ra.

MỸ HẠNH