Xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương

(Mặt trận) - Việc xác định vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và từng bước thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương theo VTVL theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) “về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. Xây dựng hệ thống VTVL gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương đang đặt ra những yêu cầu mới cần có giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu 4 giải pháp trọng tâm phòng, chống lãng phí

Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới

Hướng dẫn tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, tháng 11-2022. 

Những kết quả cụ thể

Việc triển khai xây dựng VTVL được thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và được phân chia theo các khối. Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn VTVL khối các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn VTVL trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương. Ban Công tác đại biểu tham mưu với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo hướng dẫn VTVL trong các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Quán triệt yêu cầu đổi mới xây dựng, quản lý VTVL theo các nghị quyết của Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, căn cứ quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, thời gian qua Bộ Nội vụ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả cụ thể:

1. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về VTVL từng bước được hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1-6-2020 của Chính phủ về VTVL và biên chế công chức; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 của Chính phủ về VTVL và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành các thông tư hướng dẫn về VTVL theo phân công của Chính phủ, cụ thể: Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư hướng dẫn về VTVL công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp; thông tư hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức. 20/20 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành. 15/15 bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn về VTVL lãnh đạo, quản lý, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Tổng hợp được danh mục VTVL cán bộ, công chức, viên chức (thuộc khối Chính phủ quản lý) và cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó: Cơ quan, tổ chức hành chính có 840 vị trí; cơ quan thuộc Chính phủ có 31 vị trí lãnh đạo, quản lý (trong đó: 10 vị trí được hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 21 vị trí sẽ áp dụng chức danh, chức vụ tương đương theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị). Đơn vị sự nghiệp công lập có 559 vị trí; cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí.

Cụ thể theo từng nhóm: 1) Nhóm lãnh đạo, quản lý: Cơ quan, tổ chức hành chính có 122 vị trí, cơ quan thuộc Chính phủ có 31 vị trí, đơn vị sự nghiệp công lập có 110 vị trí. 2) Nhóm nghiệp vụ chuyên ngành: Cơ quan, tổ chức hành chính có 656 vị trí; đơn vị sự nghiệp công lập có 392 vị trí. 3) Nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung: Cơ quan, tổ chức hành chính có 40 vị trí, đơn vị sự nghiệp công lập có 30 vị trí. 4) Nhóm hỗ trợ, phục vụ: Cơ quan, tổ chức hành chính có 22 vị trí, đơn vị sự nghiệp công lập có 27 vị trí. Cán bộ chuyên trách có 11 vị trí, công chức cấp xã có 6 vị trí.

Yêu cầu

Để tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính liên thông giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, việc xây dựng VTVL cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

Xây dựng danh mục VTVL, bản mô tả công việc và khung năng lực của VTVL cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Thường trực Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các VTVL cần được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trên cơ sở xác định danh mục VTVL của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc xác định cơ cấu công chức, viên chức theo VTVL cần đáp ứng yêu cầu kế thừa và từng bước điều chỉnh để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính. Đồng thời, phải phù hợp với hạng của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Việc phê duyệt VTVL và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cần gắn với lộ trình thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với đơn sự nghiệp công lập cần thực hiện đồng bộ với Đề án tự chủ để từng bước cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng tăng số lượng người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội.

Sử dụng danh mục VTVL để thiết kế hệ thống thang bảng lương theo VTVL, bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nhiệm vụ, giải pháp

Để việc xây dựng hệ thống VTVL gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương cần tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về xây dựng và quản lý VTVL trong hệ thống chính trị theo quy định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Gắn việc phê duyệt VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức, giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo VTVL gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo VTVL phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt các chủ trương, yêu cầu của việc xây dựng, quản lý VTVL theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Xây dựng và phê duyệt VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần hoàn thành để thực hiện việc trả lương theo VTVL đã được thông qua tại Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Hai là, cơ quan đầu mối các khối theo phân công có trách nhiệm tổng hợp kết quả xây dựng VTVL, gửi Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế về VTVL trong hệ thống chính trị.

Ba là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, hướng dẫn VTVL theo ngành, lĩnh vực. Kịp thời giải đáp, hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Bốn là, khẩn trương hoàn thành xây dựng Đề án VTVL và phê duyệt VTVL gắn với cơ cấu công chức, viên chức theo VTVL trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong quý I-2024.

Năm là, trên cơ sở Đề án VTVL được phê duyệt, các cơ quan, tổ chức, đơn vị từng bước thực hiện cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo VTVL gắn với thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo VTVL gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo VTVL phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

PHẠM THỊ THANH TRÀ

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương