Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công gắn với đấu tranh phòng, chống “nhóm trục lợi” ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tài sản công có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tài sản công rất dễ bị thất thoát bởi các hành vi tham nhũng, trục lợi của một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Bởi vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong đấu tranh phòng, chống “nhóm trục lợi” ở nước ta hiện nay.

Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thông báo Kết quả tuyển dụng công chức Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, đảm bảo chất lượng (năm 1959) _Ảnh: Tư liệu 

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính, nói không với “nhóm trục lợi” trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Bác về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong từng thời kỳ cách mạng trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng phải có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh đến phẩm chất, đạo đức, bởi “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Người chỉ rõ: “Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”(2).

Thứ hai, tư tưởng về công tác cán bộ đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mỗi giai đoạn và thời kỳ cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(3), “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(4). Do vậy, phải đánh giá đúng cán bộ; phải huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện; phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ; phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và những chỉ dẫn của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn đề cao công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức cách mạng, chú trọng giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trải qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác cán bộ(5). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt nội dung xây dựng Đảng về cán bộ. Cụ thể: “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng cho đảng viên”(6); “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ”(7); “Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền”(8); “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng “đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược, chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới”(9).

Tài sản công là những nguồn lực vật chất to lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tài sản công cộng là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống của nhân dân”(10). Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ và các quy định về đạo đức cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ; đạo đức nghề nghiệp của viên chức với yêu cầu “trong sạch”, “liêm chính”, nói không với “nhóm trục lợi” trong lĩnh vực quản lý tài sản công được hiểu trên một số khía cạnh:

Thứ nhất, trong sạch, liêm chính, nói không với “nhóm trục lợi” là tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức trong hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công thì đây là yêu cầu, tiêu chuẩn hàng đầu.

Thứ hai, trong sạch, liêm chính, nói không với “nhóm trục lợi” là sự thống nhất chuẩn mực giữa nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công nói riêng.

Thứ ba, trong sạch, nói không với “nhóm trục lợi” là sự cụ thể hóa của liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến tứ đức của người cán bộ cách mạng, trong đó Người nhấn mạnh: “Liêm - Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu. Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(11).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hoạt động của Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, tại Khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình _Ảnh: TTXVN 

Tiếp tục xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công trong sạch, liêm chính, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống “nhóm trục lợi” ở nước ta hiện nay

Thực hiện các định hướng của Đảng và nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ(12), trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để từng bước thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng”, đấu tranh phòng, chống “nhóm trục lợi” có kết quả. Theo đó, các nội dung quy định pháp luật đối với việc quản lý, khai thác, sử dụng một số loại tài sản thuộc kết cấu hạ tầng, như hạ tầng cấp nước sạch, đô thị, thương mại, thông tin, y tế, thể thao, du lịch, văn hóa... cần được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện rà soát. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về khai thác, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công nhằm thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng”, đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “trục lợi” có kết quả. Cùng với những nội dung trên, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức được giao thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng coi “trong sạch”, “liêm chính”, nói không với “trục lợi nhóm” là phẩm chất, tiêu chuẩn đạo đức được đặt lên hàng đầu.

Hai là, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Qua công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, bảo đảm không vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, như thông qua tuyên truyền miệng; phổ biến các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý, sử dụng tài sản công; hệ thống phát thanh, truyền hình, báo in; việc biên soạn, phát hành tài liệu, sách; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý, sử dụng tài sản công; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; hoạt động văn hóa, văn nghệ; việc giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm; xây dựng tủ sách pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp; sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Từ đó, tạo chuyển biến thực sự, thực chất từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công nói riêng.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, lấy kết quả quản lý thực tế, hiệu quả sử dụng tài sản công làm thước đo, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá  đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công. Đánh giá cán bộ nói chung có vai trò quan trọng, là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm. Thực hiện tốt chính sách cán bộ giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của cán bộ, công chức, viên chức. Ngày 2-1-2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TW, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” để thay thế Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Quy định số 214-QĐ/TW thể hiện tính kế thừa, đổi mới, sáng tạo và phát triển các nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật khác về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ trước đó. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, ngày 13-8-2020, “Về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức”. Đây là những văn bản quan trọng, là căn cứ cho việc đánh giá cán bộ. Cùng với việc thực hiện các văn bản trên, cần nâng cao năng lực cơ quan, tổ chức tham mưu về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ, đặc biệt là xây dựng phương thức đo lường, đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, lấy kết quả quản lý thực tế, hiệu quả sử dụng tài sản công làm thước đo, tiêu chuẩn cho việc đánh giá. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý tài sản công. 

Bốn là, bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; tuy vậy, từ thực tế các vi phạm trong thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân thực hiện không nghiêm các nguyên tắc trong quản lý, sử dụng tài sản công với những biểu hiện khác nhau, như không thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; ghi nhận không đúng, thông tin không phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, kém hiệu quả; thiếu công khai, minh bạch, trái pháp luật; buông lỏng giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Do vậy, trong thời gian tới để bảo đảm quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả, đấu tranh phòng, chống “nhóm trục lợi” có kết quả, một mặt, cán bộ, công chức, viên chức được giao thẩm quyền, trách nhiệm cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong quản lý, sử dụng tài sản công; mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh và không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng với các biểu hiện, như “nhóm trục lợi”, “nhóm lợi ích”.

Năm là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(13). Quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, thu nhập, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là nhấn mạnh vấn đề phòng ngừa tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”(14). Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng ta nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân: “Nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”(15). Theo đó, cùng với việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “nhóm lợi ích” trong quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả; xây dựng cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng ở các cấp để điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng với các biểu hiện khác nhau trong đó có “nhóm trục lợi”, “nhóm lợi ích”.

Sáu là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở, nhất là người đứng đầu và sức mạnh tổng hợp các tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công. Cấp ủy cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị có vai trò quan trọng, quyết định tổ chức thực hiện thành công mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và thảo luận xây dựng chương trình hành động; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hiện thực hóa, cụ thể hóa chương trình hành động cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính, nói không với “nhóm trục lợi” thành phong trào thi đua yêu nước ở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, bí thư, cấp ủy viên, người đứng đầu cần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, gương mẫu, nói đi đôi với làm trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bảy là, triển khai một số hoạt động nghiên cứu, bổ sung luận cứ phục vụ công tác xây dựng pháp luật, đấu tranh phòng, chống tham nhũng với các biểu hiện “nhóm lợi ích”, “nhóm trục lợi”. Trên thực tế, các quy định pháp luật hiện hành cho thấy, cùng với các khái niệm trên, có nhiều khái niệm, thuật ngữ khác được sử dụng phổ biến trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, đời sống xã hội. Tuy vậy, trên phương diện pháp luật chưa có quy phạm giải thích đối với các thuật ngữ này, do đó, chưa tạo được cách hiểu chung, thiếu cơ sở thống nhất về mặt nhận thức đối với nội hàm các khái niệm, thuật ngữ để chuyển hóa thành các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó dẫn đến việc xác lập cơ sở pháp lý xử lý cán bộ, công chức, viên chức khi có vi phạm đạt hiệu quả chưa cao.

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công gắn với phòng ngừa và đấu tranh chống “nhóm trục lợi” không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc mà còn góp phần củng cố niềm tin của xã hội, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(16) như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định./.

PHẠM THỊ THANH TRÀ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia  Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 170
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 390, 280
(5) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, ngày 18-6-1997, “Về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ngày 19-5-2018, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”
(6), (7), (8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 241, 242, 243, 245
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 297
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 123
(12) Như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 161/NQ-CP, ngày 29-10-2020, của Chính phủ, “Về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”; thực hiện thống nhất, đồng bộ, thông suốt các nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15-7-2021, của Chính phủ, “Về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”.
(13), (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 145, 146
(15), (16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 146, 327