Xây dựng, củng cố Mặt trận Dân tộc Thống nhất và thực hiện đoàn kết rộng rãi làm cơ sở phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(Mặt trận) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). 70 năm trôi qua, những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước hiện nay. Trong đó, phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng là một trong những bài học sâu sắc, to lớn nhất thời kỳ đổi mới.

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13-3-1954. Ảnh: Tư liệu/ TTXVN  

Bài học thế trận lòng dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thực chất phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm, chủ trương, giải pháp tạo ra những nhân tố, những điều kiện để quy tụ, khơi dậy lòng yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân và toàn thể dân tộc chiến đấu vì lợi ích của Tổ quốc, tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại những bài học to lớn về vấn đề này, cụ thể ở những nội dung sau:

Một là, đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã khơi dậy và phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”; hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. Đây là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được huy động ở mức cao nhất. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả ngạn, đến Bình - Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

Như vậy, với đường lối đúng, chủ trương, chính sách phù hợp, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên được sức mạnh của cả nước kháng chiến, tạo nên chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ. Đường lối, chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân Pháp hòng dựng xứ Mường tự trị, xứ Thái tự trị, xứ Nùng tự trị… để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc trong đất nước Việt Nam.

Hai là, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một nhân tố trung tâm, cốt lõi có ý nghĩa cực kỳ to lớn trở thành động lực để phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là việc thiết lập chế độ xã hội mới, chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính thông qua đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân và đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân, nên đã động viên được sức mạnh của cả nước tham gia kháng chiến.

Trên lĩnh vực chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân và phát huy sức mạnh của chính quyền đó trong ban hành, thực thi các chính sách phát huy dân chủ trên lĩnh vực chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc tích cực chuẩn bị cho chiến trường, ở hậu phương vùng mới giải phóng, Đảng ta thực hiện chủ trương đem lại ruộng đất cho dân cày, thực hiện chế độ bầu cử, xóa nợ, hoãn nợ cho nông dân… Việc làm đó đã động viên được các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do, mới giải phóng và sau lưng địch, thậm chí cả cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành khối đại đoàn kết, tập trung sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng và Chính phủ chủ trương xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân và tiếp tục thực hiện bãi bỏ các thứ thuế vô lý dã man của chế độ cũ, giảm tô, giảm tức, tiến tới cải cách ruộng đất. Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, Đảng đã lãnh đạo tiến hành 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất theo Luật Cải cách ruộng đất do Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ ba (từ ngày 1 đến 4-12-1953) thông qua. Điều đó đã tác động và trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tuyến, tăng thêm quyết tâm thi đua giết giặc lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, quân và dân ta tin ở sức mạnh của dân tộc, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn cùng với các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia và động viên con em mình hăng hái tòng quân, tham gia đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên lĩnh vực văn hóa, một nền văn hóa mới mang bản sắc dân tộc, dân chủ được xây dựng theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Với nền văn hóa được xây dựng “xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức” đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần, tạo ra động lực huy động cao nhất sự ủng hộ của tất cả các giai tầng thực hiện mục tiêu “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, làm cơ sở tạo nên sức mạnh chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính sức mạnh, trí tuệ và lòng dũng cảm vô song, cả dân tộc Việt Nam đều ra trận đã trở thành một sức mạnh to lớn, đè bẹp những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù.

Ba là, xây dựng, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đoàn kết rộng rãi làm cơ sở phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong điều kiện chính quyền cách mạng non trẻ, điều kiện kinh tế - khoa học kỹ thuật còn thấp kém, Đảng đã hoạch định được môt cách đúng đắn đường lối, chính sách cụ thể nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định đường lối xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng là đúng đắn. Khối đoàn kết toàn dân tiếp tục được xây dựng và đã phát huy cao độ trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vào năm 1954.

Ngày 3 tháng 3 năm 1951, Đại hội toàn quốc thống nhất tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, làm cơ sở củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, là nền tảng chính trị vững chắc cho Đảng, chính quyền dân chủ nhân dân động viên và tập hợp mọi lực lượng tham gia kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ đó, đã đoàn kết đông đảo đồng bào Kinh, Thái, Nùng, Dao ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… sát cánh bên nhau, tập trung sức người, sức của cho chiến dịch. Trong thực tiễn, Việt Bắc, Tây Bắc vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương tại chỗ của mặt trận Điện Biên Phủ đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.

Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, các “hội tương tế, ái hữu”; các hội “Cứu quốc”, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt đã đoàn kết, giác ngộ và tổ chức các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi cá nhân yêu nước trong nhân dân để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn. Qua đó đã tập hợp, gắn kết mọi tầng lớp nhân dân, đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả những điều đó đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” còn vang mãi đến hôm nay.

Bốn là, chủ động làm tốt công tác dân vận phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” huy động mọi nguồn lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một trong những nhân tố có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là ở thế trận lòng dân cùng một tinh thần quyết chiến đến cùng để quyết thắng. Tiến quân vào Tây Bắc, xác định đây là nơi địch có nhiều sơ hở, lực lượng mỏng, nhưng địa bàn chiến dịch lại là nơi xa hậu phương, địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, giao thông vận tải rất khó khăn; nguồn nhân lực hậu cần tại chỗ rất hạn chế…; hơn nữa, nhu cầu mọi mặt của Chiến dịch vượt xa so với các chiến dịch trước rất nhiều. Đây là một yêu cầu hết sức khó khăn từ thực tiễn chiến trường đặt ra phải giải quyết một cách đầy đủ và kịp thời.

Với niềm tin và tiếp thu bài học phát huy sức mạnh nhân dân trong lịch sử của dân tộc, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã rất quan tâm đến công tác vận động quần chúng, tăng cường cán bộ dân vận cho chiến trường, đồng thời, chỉ đạo cơ sở các cấp và bộ đội nắm tình hình, giác ngộ, động viên, vận động quần chúng một lòng một dạ tin theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận tâm phục vụ và tham gia đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong toàn bộ Chiến dịch, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt công dân, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”. Đặc biệt, “Trong vùng tạm chiếm của các tỉnh Bắc Bộ, đồng bào đã chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc và 7,5 triệu ngày công đi dân công”.

Theo thống kê, tính cả trước và trong chiến dịch, có tới 62.000 dân công, thanh niên xung phong tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilomet đường, nhiều bến, cầu; vận chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận… Khi đó, chỉ bằng sức người, bộ đội đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Bộ đội và dân công đã sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử. Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước có tác động tích cực, trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Kế thừa bài học “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ thực hiện phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân hiện nay

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học sâu sắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng cần được chắt lọc phát huy và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một là, luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xác định đại đoàn kết toàn dân, tăng cường thế trận lòng dân là một chiến lược xuyên suốt, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong kho tàng truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân “là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là bài học quan trọng hàng đầu, quyết định đến việc xây dựng thành công “chiến lược đại đoàn kết toàn dân”, tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” trong thời kỳ đổi mới. Bởi lẽ, đây là sơ sở để Đảng lãnh đạo, định hướng nâng cao nhận thức về trách nhiệm và hành động đúng đắn cho mọi thành viên, lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thực tiễn thành tựu hơn 35 năm đổi mới đã minh chứng: Chỉ có quy tụ, tập hợp được “lòng dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc chúng ta mới khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc,…”, thực hiện “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

Trong sự nghiệp đổi mới, tinh thần của một Điện Biên Phủ anh hùng 70 năm trước giờ đây vẫn hiện hữu. Trong đó, việc phát huy tinh thần đại đoàn kết, “thế trận lòng dân” trong đẩy lùi dịch bệnh, phòng, chống thiên tai, chung sức, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn,… tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc. Có thể nói rằng, bài học về phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong xây dựng đất nước hùng cường, chiến thắng những khó khăn. Nhận thức điều đó, Đảng ta khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Hai là, xây dựng các tổ chức, đoàn thể vững mạnh, phát huy vai trò của các lực lượng tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Sức mạnh “lòng dân” và “thế trận lòng dân” là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, sự mất còn của chế độ. Điều đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị phải phát huy vai trò, trách nhiệm quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm về xây dựng đại đoàn kết toàn dân - Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, việc đẩy mạnh hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ có vai trò quan trọng. Với vai trò hạt nhân lãnh đạo, Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh” sẽ quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”. Đồng thời, phải tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố vững chắc hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thực sự gần dân và hiểu dân, chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Cùng với đó, xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, thực hiện tuyên truyền làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ xây dựng “thế trận lòng dân” chính là xây dựng nền tảng chính trị - xã hội trên cơ sở đồng thuận của toàn dân đoàn kết xung quanh Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, xây dựng Mặt trận Tổ quốc vững mạnh đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, tôn giáo, tri thức…, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hành dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội. Nhận thức và vận dụng sáng tạo vấn đề này hiện nay, Đảng đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...”, thông qua đó, để giữ vững lòng dân, tạo được sự tin tưởng của nhân dân và giữ vững sự ổn định chính trị, làm cơ sở củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, chăm lo đời sống nhân dân, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vấn đề xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải hướng đến người dân, lấy phục vụ nhân dân làm mục đích cao nhất. Trong đó, cần quan tâm đúng mức phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Trên cơ sở đó, phát huy nguồn lực, khả năng sáng tạo của nhân dân, đó là một động lực to lớn để phát triển đất nước. Tiếp nối và khẳng định bài học này, Đảng chỉ rõ: “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội” trong sự nghiệp đổi mới.

Bài học về phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa phát triển trong thời kỳ đổ mới. Để đón nhận những cơ hội lớn của quá trình hội nhập quốc tế, bài học mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng đó là liên minh công - nông - trí thức vẫn là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là nòng cốt của quá trình phát triển, làm cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng liên minh công - nông - trí thức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là đòi hỏi khách quan, có tính chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Giai cấp công nhân đang chuyển mình trong cơ chế mới, càng gắn bó nhiều hơn với đội ngũ trí thức và những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; đồng thời, gắn bó hết sức chặt chẽ với giai cấp nông dân, vừa là đồng minh chính trị, vừa là bạn hàng kinh tế. Điều đó càng khẳng định vai trò của giai cấp công nhân cùng với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức kết thành một khối thống nhất là động lực của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Để định hướng, quy tụ, khơi dậy, phát huy mọi tiềm lực của nhân dân, của các giai cấp, các cộng đồng người Việt Nam, khối đại đoàn kết toàn dân phải được xây dựng củng cố dựa trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động, đồng thời quan tâm đến quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố thế trận lòng dân.

Phát huy tinh thần sức mạnh thế trận lòng dân của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và sự biến đổi ngày càng sâu rộng, khó lường trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong nước và thế giới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định,… nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong vận động, tập hợp nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường sức mạnh khối đoàn kết toàn dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, thực hiện quy chế phối hợp công tác, tạo thành sức mạnh chung để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác vận động quần chúng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện, yêu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng thời kỳ đổi mới. Trong đó, cần hướng mạnh về cơ sở và địa bàn khu dân cư, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Phải phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, xử lý hài hòa lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo, đồng hành với dân tộc. Đặc biệt, chú trọng phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Mặt trận trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần yêu nước, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Thực hiện tốt, hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các tổ chức tham gia vận động, giải quyết tốt các vấn đề, vụ việc phát sinh từ cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố thế trận lòng dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đảng, Nhà nước phải phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân trong quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nâng cao tinh thần cảnh giác, kết hợp chặt chẽ công tác vận động quần chúng với công tác đối ngoại và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần tăng cường “thế trận lòng dân” để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Những thành công và kinh nghiệm phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch có giá trị lịch sử và thời đại hết sức to lớn. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo những bài học đó là cơ sở huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vừa là sự kế thừa những kinh nghiệm quý báu, vừa là đòi hỏi khách quan trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới.

Thượng tá VŨ ĐÀO LONG

------------------------------

1. Ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện sử học: Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

2. Vũ Thái Dũng: Công tác dân vận trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, ngày 25-11-2021, đường link: http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/3837-cong-tac-dan-van-trong-chien-cuoc-dong-xuan-1953-1954-va-chien-dich-dien-bien-phu.html.

3. ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001.

4. ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hà Nội, 2011.

5. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tập 2, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021.

6. Trần Hà: Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Báo điện tử Kinh tế & Đô thị, ngày 07-5-2019, đường link: https://kinhtedothi.vn/bai-hoc-chien-thang-tu-the-tran-long-dan.html.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011.

8. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 -1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.