Vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, thôn Đại Phú (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đạt nhiều thành tích nổi bật trong công tác Mặt trận, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn này đã được nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống hiện nay

Điện Biên Phủ - Chiến thắng của “thế trận lòng dân”

 

Đại diện Ban Công tác Mặt trận thôn Đại Phú báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Hòa Quang Nam

Ban CTMT thôn Đại Phú có 7 thành viên. Nhiều năm nay, với sự nhiệt tình, năng động, các thành viên đã luôn bám sát các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vận động nhân dân thực hiện đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Chăm lo công tác giảm nghèo

“Toàn thôn có 586 hộ, 2.983 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống kinh tế của người dân còn gặp không ít khó khăn, nên chúng tôi đã cùng với Ban Nhân dân thôn tuyên truyền giúp người dân hiểu, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”, ông Dương Thanh Nam, Trưởng Ban CTMT thôn Đại Phú chia sẻ.

Nhiều năm nay, Ban CTMT thôn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế do tỉnh, huyện mở rồi về tận tình truyền đạt lại cho người dân. Qua các cuộc họp khu dân cư, ban đã phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, cho thu nhập cao. Lúc đầu nhiều người không chịu, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, cùng với việc xây dựng các mô hình kinh tế điển hình đã giúp nhiều người hiểu và áp dụng hiệu quả. Nhờ đó năng suất lúa thường xuyên đạt 78 tạ/ha. Tổng đàn gia súc gia cầm trong thôn được duy trì ổn định với hàng chục ngàn con.

Tuy nhiên, qua rà soát, Ban CTMT thôn nhận thấy có nhiều hộ rất cần được hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Theo đó, tùy hoàn cảnh, khả năng của từng hộ, ban đề đạt lên chính quyền để giúp họ vay vốn. Chỉ tính riêng nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay đã giải quyết cho hàng chục hộ được vay với số tiền từ 20-50 triệu đồng/hộ. Từ nguồn này, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi bằng cách tăng đàn, tăng giống đem lại nguồn thu nhập ổn định. Có nhiều hộ đầu tư học nghề, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Dương Tấn Thích, một hộ nghèo nay đã thoát nghèo, phấn khởi nói: “Tôi được chính quyền, Mặt trận tạo điều kiện vay được 50 triệu đồng để mua thêm bò, heo và nhiều loại gia cầm khác. Gia đình tôi chịu khó trồng thêm cỏ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn gia súc, gia cầm luôn phát triển ổn định, thu nhập của gia đình tăng lên hàng năm”.

Trên địa bàn thôn chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm 1,7%, không còn hộ đói; bình quân thu nhập đầu người đạt 38 triệu đồng/năm. Ban đang rà soát, xác định lại để có kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, bằng cách phân công các đoàn thể quan tâm, thăm hỏi, nhất là giúp đỡ kịp thời những lúc bệnh đau, khó khăn đột xuất.

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần

Về thôn Đại Phú hôm nay, nhiều người đều có chung nhận xét trước sự đổi thay rõ nét: Đường làng, ngõ xóm hầu như đã được bê tông hóa, trồng hoa dọc hai bên đường... Các hộ dân có ý thức trong việc tập kết rác thải đúng nơi, đúng thời gian quy định, không còn cảnh vứt rác bừa bãi như trước. Đến nay, hầu hết hộ dân ở đây đã tự nguyện tham gia dịch vụ thu gom rác thải, tự giác tổng dọn vệ sinh vào các ngày cuối tuần.

Nhờ đẩy mạnh nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng, việc cưới, việc tang, lễ hội không còn tổ chức rườm rà, linh đình, tốn kém nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, trong thôn không còn hiện tượng đóng nhà mồ, rải vàng mã khi có người qua đời. Các hoạt động giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh luôn được người dân phát huy. Người dân đồng lòng, đồng sức đóng góp xây dựng lại lẫm làng Đại Phú với số tiền 500 triệu đồng đã được UBND tỉnh công nhận thuộc di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Song song đó, cùng với số tiền vận động được, trong thôn có 2 xóm là xóm Trịnh, xóm Bầu đã xây dựng 2 cổng làng với tổng số tiền 34 triệu đồng. Bà con 2 xóm còn tự nguyện trồng cau, hoa hai bên đường liên xóm, đổ bê tông, lắp bóng đèn chiếu sáng với kinh phí hàng chục triệu đồng... 

Nhận xét về Ban CTMT thôn Đại Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Quang Nam Nguyễn Ngọc Thái cho biết: “Nhiều năm nay, thôn Đại Phú luôn giữ vững thôn văn hóa tiêu biểu. Số hộ đạt gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Người dân tin tưởng và đồng thuận thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đạt được điều đó là nhờ các thành viên của Ban CTMT đã năng động, nhiệt tình, trách nhiệm trên nhiều mặt của công tác Mặt trận”.

HÀ ANH