Vai trò tiên phong và trách nhiệm xã hội của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

(Mặt trận) - Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một quyết tâm chính trị lớn của Đảng ta, với tiêu chí “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng trở nên khó khăn, phức tạp đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam phát huy tốt vai trò tiên phong, xung kích và quyết tâm cao từ các cơ quan báo chí và những người làm báo.

Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thông báo Kết quả tuyển dụng công chức Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2024

 Trao giải tặng các tác giả đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ 3, năm 2020-2021.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng ta xác định đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Ðảng (tháng 1/1994) đã chỉ rõ tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ðến Ðại hội IX của Ðảng năm 2001, cùng với việc nhấn mạnh nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ, Văn kiện Ðại hội nêu rõ quyết tâm: Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; người lãnh đạo cơ quan để xảy ra tham nhũng cũng phải bị xử lý về trách nhiệm; xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng...

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng trở nên khó khăn, phức tạp đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa cả hệ thống chính trị. Đại hội XIII của Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp để thực hiện quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng.

Điểm mới của Đại hội XIII của Đảng đó là xác định đấu tranh phòng chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, do đó để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia.

Luật Báo chí cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ cần phải thực hiện đó là “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” (Điều 4). Còn tại Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định về “Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo” đó là: “1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng. 2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. 3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng”.

Từ văn kiện của Đảng và những quy định của pháp luật đã ghi nhận vai trò và chức năng hết sức quan trọng của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí và người làm báo đã ý thức rất rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo đã sẵn sàng dấn thân, không sợ hiểm nguy đến tính mạng, tìm hiểu đến cùng các vụ việc nổi cộm để thông tin kịp thời đến cộng đồng. Nhiều vụ đại án bị phanh phui từ phát hiện của báo chí.

Đến nay nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ đến sự việc xảy ra vào cuối tháng 5/2016, hình ảnh về chiếc xe Lexus mang biển xanh của Trịnh Xuân Thanh - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chạy trên đường phố miền tây được báo chí phản ánh kịp thời. Sự việc càng gây chú ý khi Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đơn vị đã để thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên với dòng chảy tin tức ồ ạt mỗi ngày, nội dung nêu trên rất có thể sẽ dần bị “chìm xuồng”, bị lấn át bởi các tin tức mới. Tuy nhiên rất kịp thời, ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng kiểm tra những nội dung mà báo chí đề cập, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Cũng từ đây, các cơ quan chức năng đã phanh phui ra những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị điều tra, xử lý được dư luận đánh giá cao, có vai trò đóng góp hết sức ý nghĩa của báo chí.

Cùng với việc phản ánh kịp thời các vấn đề của đời sống xã hội, những năm qua, báo chí đã dành nhiều diện tích, thời lượng để đăng tải các tin, bài phản ánh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thông qua những tác phẩm báo chí sinh động đã giúp công chúng nhận diện, ý thức rõ hơn những mối nguy hại từ vấn nạn tham nhũng, tiêu cực gây ra, cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Báo chí đã phát huy hiệu quả thế mạnh của mình trong việc nắm bắt dư luận xã hội, là địa chỉ tin cậy để người dân gửi gắm niềm tin.

Với sự nhạy bén của mình, báo chí phát hiện kịp thời những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, từ đó thông tin tới cơ quan chức năng tìm hiểu, giải quyết. Đồng thời, báo chí trực tiếp tìm hiểu, điều tra, đăng tải nhanh chóng, chính xác, khách quan các thông tin liên quan đến những vụ việc nổi cộm để người dân được biết, thực hiện tốt dân chủ xã hội theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”.

Nổi lên trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là nhiều vụ việc báo chí đăng tải là từ nguồn thông tin phản ánh, tố giác của quần chúng. Tiêu biểu như vụ tham nhũng đất đai của một số quan chức ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ nhân bản phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội),...

Điều này cho thấy công tác tuyên truyền trên báo chí về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang phát huy hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trong việc vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào cuộc chiến cam go, khó khăn này, nhất là đội ngũ đảng viên.

Đồng thời, việc tuyên truyền của báo chí cũng là “xúc tác” quan trọng giúp các cơ quan chức năng có liên quan không được phép lơ là, xao nhãng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Những bất cập yếu kém trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được báo chí phát hiện, phản ánh kịp thời và là nguồn thông tin quan trọng giúp cơ quan Đảng, Nhà nước có cơ sở điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp.

Cuối năm 2021, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ghi nhận: Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng.

Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan báo chí còn một số hạn chế. Đó là việc phản ánh chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đối với các vụ việc, hiện tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin.

Trong một số trường hợp, thông tin từ báo chí thiếu khách quan, áp đặt, gây dư luận không lành mạnh, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chưa đủ mạnh cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến một số người làm báo chưa thật sự dám dấn thân, quyết liệt đến cùng, sợ phải gánh chịu những rủi ro cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó còn có một bộ phận người làm báo vì bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị lợi ích vật chất cám dỗ cho nên trong quá trình tuyên truyền đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có biểu hiện bao che, đồng lõa với các sai phạm để hưởng lợi.

Thực tế này cho thấy, thời gian tới rất cần xây dựng một cơ chế đồng bộ, chặt chẽ, phát huy hiệu quả trên thực tế giữa các cơ quan, ban, ngành, tạo hành lang pháp lý an toàn, đủ mạnh nhằm bảo vệ an toàn cho các cơ quan báo chí cũng như cá nhân người làm báo. Việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần minh bạch, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí, hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy.

Về phía các cơ quan báo chí, để phát huy tốt hơn nữa vai trò, sức mạnh của mình trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa lâu dài vừa khó khăn, phức tạp, nhất là trong giai đoạn hiện nay cần làm tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; làm rõ tính cấp thiết của cuộc đấu tranh cam go này từ đó đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, báo chí cần tích cực phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; lên án trước các hành vi, vụ việc tiêu cực, các biểu hiện tham nhũng, lãng phí; định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh, có trách nhiệm trong cộng đồng.

Thứ ba, với vai trò là cơ quan ngôn luận, phương tiện thông tin thiết yếu, các cơ quan báo chí cần thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời phát hiện các vụ việc, hiện tượng tiêu cực, phản ánh tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, báo chí phát huy tốt vai trò giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, thông tin đầy đủ tới người dân, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia, phát huy vai trò trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, các cơ quan báo chí cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo và phóng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết và đam mê nghề nghiệp, có trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, trung thành phục vụ đất nước và nhân dân.