Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Chiếm trên 50% dân số, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Hội LHPN Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020: Tử tế vì môi trường. Nguồn: ceid.gov.vn 

Từ nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của môi trường đối với đời sống, sức khỏe của con người, nhiều năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam, được các cấp Hội quan tâm, thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo và các mô hình hiệu quả, thiết thực, góp phần cải thiện môi trường xung quanh, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Trong công tác chỉ đạo, Hội LHPN Việt Nam đã đổi mới nội dung, phương thức thực hiện thông qua đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với các phong trào thi đua, Đề án, Cuộc vận động lớn của Hội: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (được phát động từ năm 2010) với các tiêu chí đều hướng tới cấp hộ gia đình và trực tiếp góp phần thực hiện góp phần tiêu chí về môi trường (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), đã được Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ đưa vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tạo cơ chế tốt để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai mạnh mẽ (từ năm 2018) với cam kết tích cực, quyết tâm thực hiện các hoạt động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong toàn hệ thống Hội và hội viên, phụ nữ cả nước, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức Đại hội Phụ nữ các cấp không rác thải nhựa... Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường được ghi nhận rõ nét trên những nội dung chính sau:

Thứ nhất, với thế mạnh hệ thống 4 cấp của Hội từ Trung ương tới cơ sở, cùng với mạng lưới cán bộ Hội tới tận chi, tổ, Hội LHPN đặc biệt quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp và hội viên, phụ nữ. Thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông được các cấp Hội tổ chức hàng năm gắn với những vấn đề môi trường của đất nước và địa phương, hội viên, phụ nữ và người dân đã tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành động về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” luôn được triển khai trên diện rộng, từ cấp Trung ương tới địa phương, đã kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, bằng những hành động cụ thể, thiết thực thực hiện bảo vệ môi trường. Tính riêng trong 03 năm 2017-2019, Hội đã tổ chức 6 cuộc mít tinh cấp Trung ương thu hút sự tham gia của trên 6.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng (tại các tỉnh, thành: Đắk Lắk, Hà Giang, An Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng). Thích ứng với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Trung ương Hội đã chủ động thay đổi hình thức truyền thông phù hợp, sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các thông điệp, hành động bảo vệ môi trường như Chiến dịch và sự kiện trực tuyến “Tử tế vì môi trường” (2020) và Cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục Hồi hệ sinh thái” (2021). Các sự kiện đã huy động được sự tham gia của đông đảo của cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước với nhiều hoạt động phong phú, có ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường, và thu hút hơn 4.400.000 lượt người tiếp cận, trên 2.6 triệu lượt tương tác trên trang fanpage của TW Hội.

Bên cạnh đó, với quan điểm hướng về cơ sở, Trung ương Hội đã triển khai nhiều cuộc truyền thông mẫu tại cộng đồng với phương pháp đổi mới, sáng tạo, tăng cường tính tương tác và nhấn mạnh thông điệp hành động bảo vệ môi trường. Tại địa phương, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông cả về bề rộng lẫn chiều sâu với các hình thức phong phú: hội thảo, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi hội/tổ phụ nữ, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, báo, tờ Thông tin phụ nữ, triễn lãm, truyền thông cộng đồng… để chuyển tải nội dung về bảo vệ môi trường tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Không chỉ hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng, Trung ương Hội đã quan tâm xây dựng nhiều sản phẩm, ấn phẩm truyền thông đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm hỗ trợ cho công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tại cộng đồng như: phim hoạt hình, các sản phẩm trò chơi tương tác, sách lật, bộ tranh thực hành, sổ tay, cẩm nang dành cho tuyên truyền viên, tờ rơi/tờ gấp dành cho hộ gia đình, quạt/túi/mũ... có thông điệp về bảo vệ môi trường. Trung ương Hội đã xây dựng các công cụ truyền thông phục vụ cho các nhà quản lý, các giảng viên, tuyên truyền viên trong đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch và triển khai các chương trình bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là tài liệu hỗ trợ tích cực cho đội ngũ tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ trong các buổi sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ mà còn là tài liệu tuyên truyền rất có hiệu quả cho các hội gia đình tiếp cận với các thông tin, kiến thức cơ bản nhất liên quan đến nước, vệ sinh, bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa… hướng tới thay đổi hành vi.

Cùng với các hoạt động hướng tới cộng đồng, công tác tuyên truyền thúc đẩy vai trò của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ trong bảo vệ môi trường đã được thể hiện khá đậm nét thông qua tuyên truyền truyền hệ thống thông tin đại chúng Trung ương và địa phương về kết quả hoạt động, các gương tập thể, cá nhân điển hình. Riêng năm 2020, Hội đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 03 phóng sự, 01 tọa đàm chương trình “Cafe sáng” (VTV3) giới thiệu về các mô hình, cách làm hay trong phong trào chống rác thải nhựa của các cấp Hội; 04 tâm điểm chương trình “Việt Nam hôm nay” (VTV1) tập trung vào vấn nạn rác thải vùng ven biển, thực hành “sống xanh”, nâng cao trách nhiệm phân loại rác thải tại nguồn, các hoạt động làm sạch bãi biển của các hội viên, phụ nữ vùng ven biển; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng và phát sóng 04 câu chuyện truyền thanh chủ đề “Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường”; phối hợp với các báo  xây dựng chuyên mục/tuyên truyền về công tác phụ nữ bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa. Trang fanpage “Phụ nữ sống xanh” được xây dựng, đăng tải các gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, đến nay đã thu hút hơn 7 nghìn người theo dõi, qua đó nhiều hành động đẹp, cách làm hay về bảo vệ môi trường được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thứ hai, các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng rất nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường tại cộng đồng hiệu quả, thiết thực thông qua vận động và huy động chị em tham gia, đóng góp, khai thác các nguồn lực xây dựng các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Đến nay, các cấp Hội LHPN Việt Nam đang triển khai rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường với hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện của vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương; trong đó chú trọng các hoạt động: phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, giảm rác thải nhựa, xây dựng các mô hình “Phụ nữ sống xanh”, trồng cây xanh... Đến nay, hầu hết các cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường như: “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Thôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp”, “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn” “Phụ nữ sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Gạch sinh thái”, “Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền”, “Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt”; “Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”... Điển hình: Hội LHPN tỉnh Thái Bình với 1.655 tổ thu gom và xử lý rác thải và 9.460 thành viên; Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa với mô hình “Đội phụ nữ xung kích bảo vệ môi trường”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ với vệ sinh môi trường”, Hội LHPN tỉnh Điện Biên với mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường...  

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Trung ương Hội đã xây dựng được các mô hình điểm “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và các chợ, siêu thị thuộc 6 tỉnh/thành: Hải Phòng, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Giang và Thừa Thiên Huế nhằm giúp hội viên, phụ nữ và cộng động được nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu túi nilong và rác thải nhựa một lần khi đi chợ, siêu thị, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO), tích cực trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa.

Thứ ba, Hội đã tập trung xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, đặc biệt ở cơ sở thông qua các khóa tập huấn hàng năm, hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động, thiết kế nội dung và thực thành truyền thông tương tác, tham gia đề xuất các hình thức/mô hình phù hợp tại cộng đồng; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các mục tiêu hoàn thành và duy trì xã nông thôn mới của các địa phương. Các tuyên truyền viên đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp nhóm, thôn, bản tuyên truyền vận động, sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ thực hiện bảo vệ môi trường, các nhóm phụ nữ tín dụng - tiết kiệm hỗ trợ, giúp nhau xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường như trồng cây lấy lá, gấp túi giấy để hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác tại nguồn…

Thứ tư, các cấp Hội chú trọng phát huy vai trò trong xây dựng, giám sát, phản biện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và cộng đồng khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong quá trình tổ chức hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã làm tốt việc nghiên cứu nhu cầu, khảo sát và lấy ý kiến của cán bộ, hội viên và nhân dân trước khi tiến hành hoạt động hoặc triển khai các mô hình bảo vệ môi trường để việc tổ chức thực hiện đáp ứng đúng nhu cầu của hội viên, phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội rất trách nhiệm trong việc tham gia góp ý các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, thường xuyên hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện ngày một hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường để có những kiến nghị với Nhà nước bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường cho phù hợp, đảm bảo lồng ghép giới.

Thứ năm, các cấp Hội tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hệ thống thông tin của Hội mà còn thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi để giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ. Điển hình như Cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay Phục hồi hệ sinh thái” do Trung ương Hội phát động nhân Tháng hành động về môi trường năm 2021 đã thu hút sự tham gia của hội viên, phụ nữ cả nước, 3.000 bài dự thi đã được đăng tải trên fanpage của Hội LHPN các tỉnh/huyện/xã, qua đó nhiều mô hình/cách làm hay đã được tuyên truyền, biểu dương, tạo sức lan tỏa, ghi dấu ấn những hành động đẹp, thiết thực góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.

Phó Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết tham gia lao động vệ sinh bên bờ sông Lô với chị em phụ nữ Hà Giang hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”. Nguồn: dangcongsan.vn 

Có thể khẳng định rằng, phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và các mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Các hoạt động không những giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thiết thực trong phong trào phụ nữ Việt Nam chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

Bối cảnh xây dựng nông thôn mới và những yêu cầu về thực hiện tiêu chí môi trường hiện nay đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực bền bỉ của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bên cạnh đó, những vấn đề môi trường còn tồn tại như sự hạn chế về ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hành phân loại rác tại nguồn, quy trình xử lý rác thiếu đồng bộ, tăng khối lượng chất thải rắn phát sinh, chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số điểm dân cư, hệ sinh thái đang bị suy thoái, rác thải trong bối cảnh dịch Covid-19... cũng đặt ra những thách thứ cho công tác môi trường. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể, mới về vấn đề này, đưa vào một số chỉ tiêu quan trọng như: đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Trước yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường hiện nay, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước, sáng tạo, đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ môi trường và vận động phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Hội đề xuất các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các trường hợp liên quan và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến người dân; nghiên cứu, xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ (từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải); lập các quy hoạch điểm tập kết trung chuyển rác thải; thiết lập hệ thống cơ giới hóa thu gom vận chuyển; xây dựng các dịch vụ thu gom, tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường; chỉ đạo từng bước để các doanh nghiệp hạn chế sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa dùng một lần; có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa góp phần bảo vệ môi trường...