Tuyên Quang: Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

(Mặt trận) -Hiện nay, rác thải nhựa phát sinh với số lượng ngày càng gia tăng, đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, năm 2020 thu gom trên 56.000 tấn rác thải sinh hoạt. Bình quân mỗi ngày có khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom. Hầu hết lượng rác thải được xử lý theo hình thức chôn lấp mà chưa có biện pháp phân loại, tái chế. Đây là thực trạng cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ rác thải nhựa để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của con người.

 Cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình chị Ma Thị Sen, thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình, Tuyên Quang).

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hoàn thành xây dựng Đề án “tăng cường quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025”. Sở Công thương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích, hộ kinh doanh giảm thiểu sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh. Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về phòng chống rác thải nhựa, nâng cao ý thức thu gom rác thải nhựa một cách khoa học, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Cũng là cách làm hay trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần, thời gian qua, nhiều cửa hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố đã sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để đóng gói, bọc thực phẩm như túi giấy, lá chuối, thìa gỗ... Anh Nguyễn Minh Dũng, quản lý cửa hàng bánh mì trên địa bàn phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, mặc dù chi phí bao bì được làm bằng giấy đựng thực phẩm ăn nhanh cao hơn túi nilon thông thường, nhưng vì môi trường sống thì cửa hàng đã không sử dụng túi nilon nữa mà dùng túi giấy đựng thức ăn, cốc uống nước bằng thủy tinh...

Tại huyện Lâm Bình, phong trào hành động chống rác thải nhựa đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện hiệu quả. Chị Ma Thị Sen, thôn Tống Pu, xã Bình An cho biết, sau khi tham gia lớp học nghề mây tre đan do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức vào tháng 4 vừa qua, đến nay chị và chị em trong thôn đã có thể tự làm ra các sản phẩm được đan bằng mây, tre như làn, giỏ, đĩa, nón... các sản phẩm làm ra đã nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch khi đến Lâm Bình trải nghiệm. Những sản phẩm được làm từ mây, tre của chị Sen đã có hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon. Hiện nay, chị tạo việc làm cho 4 lao động, các sản phẩm làm ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đó, trung bình mỗi tháng, chị cung cấp ra thị trường khoảng 100 - 120 sản phẩm các loại.

Phòng, chống rác thải nhựa phải bắt đầu từ nhận thức từ mỗi cá nhân, từ đó xây dựng phong trào bền vững, nhân lên giá trị xanh cho cuộc sống.       

Minh Hoa