Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo và việc vận dụng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam

(Mặt trận) - Công việc bồi dưỡng, lựa chọn và chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo ở bất cứ thời đại nào, thể chế chính trị nào cũng đều có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự thịnh suy của một quốc gia, dân tộc. Thực tiễn chứng minh, lựa chọn cán bộ lãnh đạo đúng đắn thì quốc gia đó phát triển, thịnh vượng, ngược lại, nếu lựa chọn sai lầm thì phải trả giá rất đắt, thậm chí là sụp đổ cả một thể chế chính trị và phải mất rất nhiều thời gian sau đó để sửa chữa. Vì thế, trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, lựa chọn, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo với những tiêu chuẩn cụ thể, bảo đảm đất nước luôn phát triển đi lên.

Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025

Nghị định 178/2024/NĐ-CP: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người cho rằng đây là một việc rất quan trọng và rất cần thiết _ Ảnh: TTXVN 

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo để tạo nên một thế hệ lãnh đạo và việc chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo là quy luật tất yếu của tất cả các đảng cầm quyền trên thế giới. Ở các thể chế chính trị khác nhau thì mục tiêu, phương thức, tiêu chuẩn, cách thức tiến hành chuyển giao thế hệ lãnh đạo sẽ khác nhau. Trải qua hơn 91 năm lãnh đạo, trong đó có hơn 76 năm cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo theo hướng bảo đảm sự kế thừa và phát triển, để luôn có đội ngũ cán bộ kế tiếp đủ tâm, đủ tầm gánh vác sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó. Đó không chỉ là sự chuyển tiếp đơn thuần về độ tuổi mà là sự chuyển tiếp tầm nhìn, mục tiêu, khát vọng, nhiệm vụ cách mạng của thế hệ trước cho thế hệ sau. Đó còn là sự gửi gắm niềm tin, khát vọng vào tương lai của dân tộc. Nhiều tầm nhìn, khát vọng kéo dài mấy chục năm hoặc hàng trăm năm mới trở thành hiện thực. Vì vậy, chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo là một quá trình cần sự ổn định, lâu dài, biết kế thừa, xây đắp những truyền thống, kinh nghiệm, tinh hoa của thế hệ lãnh đạo đi trước cùng với sự sáng tạo, linh hoạt, sức bật của thế hệ đi sau trong bối cảnh mới, bảo đảm sự ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước. Lựa chọn và chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp đủ tầm, đủ tâm trong điều kiện một đảng cầm quyền đóng vai trò quyết định đối với duy trì chế độ chính trị ổn định và phát triển, bảo đảm đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, trên dưới đồng thuận, nhân dân tin tưởng. Đó là điều mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Qua các thời kỳ cách mạng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, quy định, kết luận quan trọng liên quan đến vấn đề cán bộ nói chung và vấn đề cán bộ, công tác cán bộ cấp cao của đất nước, của một số ngành, cơ quan, lĩnh vực cụ thể nói riêng. Mỗi một thế hệ lãnh đạo thường mang những dấu ấn của điều kiện lịch sử cụ thể với phương thức, tố chất, điều kiện, phong cách lãnh đạo khác nhau. Sự chuyển tiếp giữa thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác là một đòi hỏi khách quan. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, các giải pháp về công tác cán bộ và các khâu: đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, luôn được đổi mới về nội dung, phương pháp và cách làm. Trên thực tế đã xuất hiện nhiều thế hệ lãnh đạo ưu tú, dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự chuyển tiếp từ thế hệ lãnh đạo trưởng thành, tôi luyện từ thực tiễn đấu tranh gian khổ, không tiếc máu xương để giành độc lập cho dân tộc; “lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”(1).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất lớn đến việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển tiếp các thế hệ lãnh đạo, để bảo đảm luôn có đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tài, đủ đức hoàn thành tốt các nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn; vì lợi ích lâu dài của cách mạng, vì sự trường tồn của Đảng, của chế độ và của dân tộc. Thấu hiểu quy luật tự nhiên, xã hội và toàn cục cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo là một quy luật tất yếu “tre già măng mọc”. “Trong lãnh đạo cần có già, có trẻ. Công việc ngày càng mới. Càng về sau này, càng nhiều cái mới, càng ít cái cũ. Con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi, rồi chết”(2). Bởi vì, “công việc ngày càng nhiều, càng mới”(3), cho nên, Người khuyên các cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm rằng: “Đảng nói: Cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ. Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: Chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe. Thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu: “Măng mọc quá pheo”. Măng mọc sau, mà tốt hơn tre đấy. Không lẽ ta ngồi nói: “Măng, sao mày mọc quá tao?”… Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học”(4).

Thế hệ cán bộ, đảng viên già là tấm gương về công tác và lối sống, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên cần phải có trách nhiệm dìu dắt, đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ độ lượng đối với cán bộ, đảng viên trẻ. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ đảng viên, là tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ”(5). Mặt khác, không phải cái gì thế hệ già cũng giỏi hơn thế hệ trẻ mà ngược lại, có nhiều cái thế hệ trẻ phải giỏi hơn thì mới đúng quy luật. Bác nói: “Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc thì chúng mình dốt lắm… Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm, v.v..”(6) . Bởi vì “Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được”(7). Bác cũng phê phán bệnh công thần ở một số cán bộ lãnh đạo “cho rằng không ai giỏi bằng ta, không ai làm bằng ta”(8). “Cũng có một số đồng chí hoạt động không tích cực, nói mình già, yếu, mệt, nhưng lại trách Đảng, trách nhân dân, trách phong trào sao lại không đưa mình lên. Cái đó là không nên. Đó là mắc bệnh công thần. Mình mới làm nên một chút đã cho bằng trời rồi”(9).  Để rồi “Đảng không đưa mình lên thì mình tìm cách dìm đảng viên trẻ mới đề bạt lên”(10). Qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra hiện tượng: “Lối làm việc trong Đảng hiện nay mắc hai khuyết điểm: Cán bộ cũ làm việc theo lối thủ công nghiệp. Cán bộ mới làm việc theo lối khoa học nhưng lại quá trớn, không hợp với hoàn cảnh kháng chiến”(11). Người đã chỉ ra phương hướng khắc phục vấn đề khác biệt giữa các thế hệ cán bộ (khi ấy được gọi là cán bộ cũ, cán bộ mới hoặc cán bộ già, cán bộ trẻ) là: “Phải sửa chữa lối làm việc cho hợp lý, vừa với điều kiện của ta, đừng phạm vào hình thức, máy móc”(12).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, việc đào tạo một đội ngũ cán bộ có đủ tài, đức là một công việc công phu, lâu dài. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(13). Cần đào tạo họ thành những người tiếp tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bởi vì Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, cho nên cả hệ thống chính trị cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi cán bộ. Do đó, các thế hệ cán bộ và nhất là cán bộ cao tuổi cần nêu cao tinh thần cách mạng. Cán bộ già cần “Đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình, không nên nạnh kẹ. Mặt khác, thanh niên phải biết công lao các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên”(14). Bởi vì: “Có người nay còn lãnh đạo đó, nhưng sau này tiến lên máy móc, nếu không biết kỹ thuật, có lãnh đạo được không? Nếu không biết, phải mời anh ra, cho người khác giỏi hơn vào làm… chớ không phải như ngày xưa mà tưởng rằng: “Sống lâu lên lão làng”(15).

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận hiện nay, phải chú trọng đến tinh thần cách mạng, phẩm chất đạo đức chí công vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có đồng chí nói thế này: đưa lớp trẻ vào mới làm được việc. Nhưng thâm tâm lại mong muốn là con cháu của mình kia. Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: cha làm quan, con là cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được. Đảng là Đảng của giai cấp, của nhân dân, của thế giới, chứ không riêng cho con cháu mình”(16). Bởi vì, “Không phải hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm”. Bố có việc của bố, con có việc của con. Cố nhiên, con của những đồng chí đã mất đi, Đảng phải lo. Nhưng nếu bố mẹ nó đang còn, nó xấu, mà đòi hỏi đặc biệt chú ý, thì chú ý cái gì?”(17). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Nhưng bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng. Thí dụ: giữa hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng, con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn, con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Con của người ngoài Đảng hay con của người trong Đảng? Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết. Đảng lo việc cho cả nước. Đó là chính sách cán bộ”(18).

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ đức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ: “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”(19).

Có thể khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo là sự kết hợp và kế thừa tinh hoa "nghệ thuật" dùng người của cả hai nền văn hóa Đông, Tây và phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và chuyển tiếp các thế hệ lãnh đạo. Thực tiễn đấu tranh cách mạng đầy gian khổ trước đây cũng như thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay với những mục tiêu lớn, nhiệm vụ nặng nề là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, thước đo chính xác nhất, cụ thể nhất để đánh giá, sàng lọc, thay thế kịp thời hoặc tuyển chọn người lãnh đạo. Mỗi thế hệ lãnh đạo có những tiêu chuẩn, nguyên tắc lựa chọn, mang dấu ấn riêng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Thứ nhất, thế hệ lãnh đạo thời kỳ hoạt động bí mật, đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945).

Đây là thế hệ lãnh đạo đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, dìu dắt. Thế hệ lãnh đạo này được lựa chọn từ phong trào yêu nước những người ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng từ chủ nghĩa yêu nước đến lập trường chủ nghĩa cộng sản thông qua các lớp học do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc hoặc gửi đi đào tạo ở Liên Xô. Tiêu chuẩn cơ bản của người lãnh đạo là “tư cách của người cách mệnh”, đó là lòng yêu nước, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các nguyên tắc của Đảng. Thành phần tuyển chọn bao gồm: Nhóm tinh hoa có trình độ học vấn nhất định, kể cả xuất thân từ địa chủ, tư sản, trí thức..., được đào tạo, bồi dưỡng lập trường giai cấp công nhân, thông qua rèn luyện thực tiễn để thử thách và trưởng thành; những người xuất thân từ công nhân, nông dân, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua thực tiễn cách mạng trở thành lãnh đạo. Môi trường thử thách, rèn luyện, đào thải và lựa chọn cán bộ chính là thực tiễn cách mạng khắc nghiệt; là năng lực hoạt động bí mật, đấu tranh cách mạng khôn ngoan để vượt qua mọi thủ đoạn đàn áp, khủng bố tàn bạo, nham hiểm của kẻ thù, nhờ đó duy trì sự sống còn của tổ chức đảng; là khả năng biến nhà tù thành trường học, tôi luyện cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thời kỳ cách mạng bí mật, thời kỳ kháng chiến, có nhiều đồng chí hy sinh cực kỳ anh dũng. Có đồng chí phải xa nhà xa cửa, xa vợ xa con, bị địch bắt, ít ra cũng bị tù đày, thường bị xử tử là khác. Có đồng chí theo đuổi cách mạng hoạt động từ đầu đến cuối, khi Đảng giao việc gì, bảo việc gì đều làm nấy, không kể sang hèn, địa vị cao thấp; không có việc gì khó Đảng giao mà không làm. Đó là những anh hùng… Có đồng chí từ năm 1930 đến nay vẫn cứ đeo đuổi cách mạng, không đòi hỏi gì cho gia đình và cho cá nhân cả. Đó là những người con ưu tú của Đảng, của cách mạng”(20). Có thể nói, thế hệ lãnh đạo thời kỳ hoạt động bí mật được trui rèn, sàng lọc qua thực tiễn đấu tranh cách mạng đầy khắc nghiệt, đã lựa chọn được những cán bộ bản lĩnh, can trường, hội đủ năng lực, tố chất, phẩm chất để gánh vác sự nghiệp giải phóng dân tộc

Thứ hai, thế hệ lãnh đạo khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc (1945 - 1975).

Thời kỳ này vẫn do thế hệ lãnh đạo thứ nhất đảm nhiệm, tiếp nối những nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng trước, nhưng trong điều kiện đã có chính quyền và phải tiến hành chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Đảng trở thành đảng cầm quyền, nên cán bộ lãnh đạo bao gồm cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phương thức lựa chọn thế hệ cán bộ lãnh đạo thời kỳ này dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng vận dụng vào hoàn cảnh chiến tranh, bao gồm thông qua bầu cử trong Đảng và bầu cử của Nhà nước. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngày càng cơ bản hơn, bao gồm cả đào tạo trong nước và gửi đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa; rèn luyện qua thực tiễn được xem là thước đo quan trọng làm cơ sở cho sàng lọc và tuyển chọn cán bộ. Đánh giá cán bộ để tuyển chọn vẫn chủ yếu là qua năng lực thực tế, chưa bị tiêu chuẩn bằng cấp giới hạn.

Có thể khẳng định, việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, đã giành được chính quyền, bắt đầu đặt nền móng cho định hình đội ngũ cán bộ lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, hình thành nên một thế hệ lãnh đạo đủ năng lực, phẩm chất để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thắng lợi trên cả hai miền Nam - Bắc, được nhân dân tin yêu, khẳng định dấu ấn lãnh đạo của Đảng trong lòng dân tộc.

Thứ ba, thế hệ lãnh đạo thời kỳ từ khi đất nước thống nhất đến trước đổi mới (1975 - 1986).

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài tới 30 năm, hầu hết những nhà lãnh đạo cao cấp đều là những chiến sĩ cách mạng trưởng thành, trải qua một quá trình đấu tranh gian khổ, phức tạp, lâu dài. Đất nước hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ lãnh đạo bao gồm cán bộ trưởng thành từ chiến trường và một số được đào tạo cơ bản, có bằng cấp, học hàm, học vị, nhưng chủ yếu vẫn là thế hệ cán bộ trưởng thành từ 2 cuộc kháng chiến. Thế hệ lãnh đạo trưởng thành từ chiến tranh có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhưng lại thiếu kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực kinh tế. Điều này để lại bài học lớn trong công tác cán bộ về sự kết hợp, gối đầu giữa các thế hệ lãnh đạo, giữa các nguồn cán bộ không chỉ về độ tuổi mà cả về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

Thứ tư, thế hệ lãnh đạo thời kỳ đổi mới đến nay.

Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhận thức rằng không xây dựng tiêu chuẩn cán bộ cụ thể sẽ thiếu cơ sở cho đào tạo, tuyển chọn, đánh giá, bố trí, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; không tạo được một đội ngũ lãnh đạo, quản lý kế cận đủ sức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ để chuyển giao nhiệm vụ cách mạng. Đại hội VI xác định đổi mới cán bộ lãnh đạo là mắt xích quan trọng nhất, “then chốt của then chốt” và cần phải “xác định tiêu chuẩn cụ thể” làm cơ sở cho đánh giá, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, cơ quan của hệ thống chính trị, các chức vụ chủ chốt; đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ. Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ, chuyển giao nhiệm vụ. Đại hội VII của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đều nhấn mạnh, phải sớm xây dựng tiêu chuẩn cán bộ. Tuy vậy, phải đến Đại hội VIII mới xác định cụ thể hơn các tiêu chuẩn của cán bộ, được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đề ra các tiêu chuẩn cán bộ từ tiêu chuẩn chung đến tiêu chuẩn riêng đối với cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân.

Tiếp sau đó là các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương từ khóa IX đến khóa XIII được ban hành về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; phân cấp quản lý cán bộ; quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… là hệ thống những định hướng, căn cứ, giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ, qua đó thúc đẩy sự phát triển đất nước(21).

Như vậy, ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo được thực hiện một cách chủ động, bài bản, nhằm giữ được sự kế thừa, ổn định, phát triển. Đó là sự chuyển tiếp được chuẩn bị từ sớm, bài bản, công phu, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược, thực sự có tố chất, có tâm, có tầm, có bản lĩnh, vì lợi ích của quốc gia. Đó là sự chuyển tiếp chủ động, mang tính kế thừa, bảo đảm ổn định và phát triển, không chỉ là chuyển tiếp quyền lực chính trị đơn thuần mà còn là sự gửi gắm niềm tin và khát vọng cống hiến của thế hệ đi trước cho thế hệ sau, là chuyển tiếp mục tiêu, lý tưởng, cách thức, con đường đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta có bước trưởng thành, phát triển về mọi mặt. “Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” có nhiều đổi mới, đạt một số kết quả quan trọng. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng”(22). Công tác chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo đã có một số tìm tòi, cải tiến, đổi mới quy trình, nội dung, phương thức. Đó là chuyển tiếp mục tiêu, lý tưởng, khát vọng chung gắn với chuyển giao những nhiệm vụ cụ thể. Chuyển tiếp mang tính kế thừa, ổn định, phát triển. Chuyển tiếp một cách chủ động giữa bên chuyển tiếp và bên nhận chuyển tiếp. Thực hiện chặt chẽ quy trình, hướng dẫn của Đảng về công tác cán bộ trước các kỳ đại hội đảng bộ các cấp và toàn quốc.

Theo đó, Đảng ta đã ban hành và thực hiện các quy trình quy hoạch, thi tuyển, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ đạt được một số kết quả nhất định. Tiêu chuẩn cán bộ, lãnh đạo, quản lý được xây dựng ngày càng cụ thể hơn, kể cả đối với cán bộ cấp chiến lược. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng hoàn thiện các loại hình, phương thức, cách làm bài bản, nhất là mở các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp tỉnh. “Tính từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 3-9-2020, Trung ương đã tổ chức 3 lớp cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 5 lớp bồi dưỡng cho 222 đồng chí diện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII và có nhiều đổi mới so với nhiệm kỳ trước; tổ chức 258 đoàn với 5.570 cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài”(23). Đội ngũ cán bộ ngày càng năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác chuyển tiếp, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo còn không ít hạn chế, lúng túng, chưa thực sự có đột phá. “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng; chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc”(24). Chưa có cơ chế cụ thể, chính sách thu hút người tài trong Đảng và người tài ngoài Đảng. Tình trạng dân chủ hình thức hoặc hình thức hóa các quy trình trong công tác cán bộ vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị, địa phương...

Để bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới

Một là, trong việc chuyển tiếp nhiệm vụ cách mạng giữa hai thế hệ, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cần có sự kế thừa và phát triển, đan xen những ưu điểm, đặc tính tốt đẹp của thế hệ trước với những phẩm chất nổi trội, đổi mới, sáng tạo của thế hệ lãnh đạo trẻ hiện nay.  “Vì vậy, cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau”(25).

Hai là, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo có chiến lược và bài bản, tránh tình trạng “cầm đuốc soi tìm cán bộ”, bị động trong chuẩn bị và chuyển tiếp. Chuyển tiếp nhiệm vụ cách mạng giữa các thế hệ trên cơ sở thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá, lựa chọn, đề bạt cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. “Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ… Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”(26).

Ba là, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, cơ hội, thực dụng, những người “chạy chức”, “chạy quyền” vào đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Chống lợi dụng thân quen, “cánh hẩu”, “cục bộ địa phương” trong quá trình chuẩn bị, lựa chọn nhân sự. Thực hiện nghiêm các quy định về chế độ kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực công tác cán bộ theo Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”. Đồng thời “Xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”(27). Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cán bộ sai phạm, không có “vùng cấm”.

Bốn là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ. Trong đó, cần mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về cán bộ với các hình thức phù hợp, hiệu quả.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm” gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tạo cơ sở cho việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo một cách vững vàng, bài bản./.

-------------------

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 941, tháng 5-2020, tr. 6

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 277-278

(3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 273, 273

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 277

(6), (7), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 273-274, 275, 276, 275, 275

(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16, 16

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 276-277

(15), (16), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 278, 274, 277, 275

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 319

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 271

(21) Xem: Quyết định số 58-QĐ/TW, ngày 7-5-2007, của Bộ Chính trị; Quyết định số 67-QĐ/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012, của Bộ Chính trị; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ngày 19-5-2018; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị

(22)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 75

(23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XIII, Tldd, t. II, tr. 193, 193-194 

(24) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XIII, Tldd, t. I, tr. 91

(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 272

(26), (27)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XIII, Tldd,  t. I, tr. 187, 188