Truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác dân số

(Mặt trận) -Để hoạt động truyền thông về công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có định hướng thực hiện truyền thông, giáo dục về công tác dân số năm 2020 gửi các sở Y tế và chi cục DS-KHHGĐ của các tỉnh, thành phố.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu tuyên truyền vận động là nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các đối tượng được tuyên truyền, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 về công tác DS-KHHGĐ.

Tận dụng cơ cấu dân số vàng

Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan về các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới, như: tham gia sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, KHHGĐ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

Qua đợt tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Phú Yên có 260.436 hộ với dân số 872.964 người. Trong đó, nam 439.078 người (chiếm 50,3%), nữ 433.886 người (chiếm 49,7%). Tính theo quy mô dân số, Phú Yên đứng thứ 47 cả nước (là 1 trong 21 tỉnh có dân số dưới 1 triệu người). Giai đoạn 2009-2019, toàn tỉnh tăng 32.523 hộ với 10.971 người. Quy mô nhân khẩu bình quân có xu hướng giảm, nếu như giai đoạn 1999-2009 bình quân 3,8 nhân khẩu/hộ thì giai đoạn 2009-2019 chỉ còn 3,35 nhân khẩu/hộ. Sau 10 năm, quy mô dân số khu vực thành thị tăng nhanh, số người khu vực thành thị là 250.888 người, chiếm tỉ trọng 28,74%, tăng 6,87% so với năm 2009.

Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số Phú Yên, qua 10 năm, quy mô dân số tỉnh tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng; điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đều cải thiện rõ rệt. Qua cuộc tổng điều tra dân số cho thấy sự phát triển khá nhanh và đồng bộ, sự chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phát triển dân số, nhà ở cũng như điều kiện sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của người dân đều được đảm bảo, đời sống nhân dân từng bước cải thiện và chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao.

“Đây là thời điểm chúng ta tận dụng cơ hội dân số vàng. Chính vì vậy, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã có kế hoạch tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng, qua đó tăng cơ hội việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động...”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết.

Đổi mới công tác truyền thông

Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên), cho biết: Theo định hướng triển khai công tác truyền thông - giáo dục về DS-KHHGĐ năm 2020 của Tổng cục DS-KHHGĐ, các hoạt động truyền thông năm nay tập trung vào tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Tuyên truyền về phương tiện tránh thai; không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác KHHGĐ. Tiếp tục tuyên truyền về sự thuận tiện của việc mua và sử dụng các phương tiện tránh thai thông qua tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản... Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính, nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Chú trọng truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này...

Theo ông Lê Văn Bi, từ định hướng nói trên, năm nay, Phòng Truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ tập trung truyền thông mạnh mẽ về thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tuyên truyền vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh và đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo vị thành niên/thanh niên, công nhân các khu công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số là yêu cầu cần thiết của công tác dân số trong tình hình mới. Đó là đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, vận động về dân số và phát triển. Duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người và các nhóm dân số đặc thù. Ưu tiên truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao. Lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với người dân sống ở đô thị, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số…

HOÀNG LÊ