TP. Điện Biên Phủ thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Do đặc tính khó tiêu hủy trong tự nhiên, túi nilon đang tác động ngày càng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Song, bởi tính tiện ích của nó mà việc sử dụng túi nilon ngày một gia tăng và trở thành thói quen hàng ngày của người dân. Thói quen này đã và đang gây hại đến sức khỏe con người và môi trường sống. Thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng tiến tới loại bỏ túi nilon là việc làm cần thiết để bảo vệ môi trường.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Người tiêu dùng sử dụng túi làm bằng chất liệu Polyester để đi chợ.

Biết hại nhưng vẫn sử dụng

Không thể phủ nhận sự tiện ích mà túi nilon mang lại trong sinh hoạt hàng ngày, bởi ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, túi nilon có rất nhiều tác hại, ngoài việc túi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu lạm dụng đựng đồ ăn, đặc biệt là thức ăn nóng, thì nilon còn gây nguy hại đối với môi trường bởi tính chất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, thời gian phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm. Túi nilon lẫn vào đất có thể làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng; nếu đốt túi nilon sẽ sinh ra những khí cực độc. Hơn nữa, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất túi nilon từ nguồn nguyên liệu không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tác hại là thế nhưng nhu cầu và thói quen sử dụng túi nilon của người dân vẫn rất lớn. Tại các chợ, việc sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen của cả người bán và người mua. Từ mớ rau, quả cà, cân đậu... đến những đồ gia dụng, quần áo, giày, dép... đều sử dụng túi nilon để đóng gói, phân loại. Trong đó chỉ một số ít túi nilon được tận dụng để bảo quản đồ trong gia đình hoặc đựng rác, còn lại phần lớn chỉ dùng 1 lần rồi bỏ đi.

Cũng như mọi người, mỗi lần đi chợ, chị Hoàng Thị Thương, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) lại mang về rất nhiều túi nilon đựng các loại thực phẩm. Chị Thương cho biết cũng nghe đài, báo nói nhiều về tác hại của túi nilon và rác thải nhựa với đời sống; song chị thường đi chợ sau giờ làm nên chủ yếu sử dụng túi nilon vì tiện lợi. Nhiều khi mua hàng, chị dồn vài loại thực phẩm cùng loại vào một túi thì bớt được vài chiếc nhưng chị vẫn phải dùng túi nilon để phân loại thực phẩm chứ không thể bỏ hoàn toàn.

Do túi nilon vừa tiện lại có giá thành rất rẻ chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg nên người bán hàng luôn sẵn lòng chiều theo ý khách hàng và sử dụng rất thoải mái. Chị Nguyễn Thị Hương chuyên bán cá cho biết: Bình quân chỉ khoảng 2 - 3 ngày là tôi dùng hết 1kg túi nilon. So với những mặt hàng khác, như: thịt, rau, hoa quả… thì bán cá sử dụng túi nilon nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Bởi sau khi mua hàng, dù cá đã được mổ sẵn nhưng khách hàng vẫn thường yêu cầu 2 chiếc túi nilon đựng cá vì sợ tanh và vấy bẩn lên những đồ khác. Khi được hỏi về việc sử dụng túi nilon sẽ gây hại đến môi trường và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng thì chị Hương cho biết có nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng do giá thành rẻ, nhu cầu sử dụng của khách hàng cao nên chị vẫn sử dụng.

Thói quen không khó để thay đổi

Với mức độ sử dụng túi nilon như hiện nay, trung bình mỗi ngày 1 người đi chợ mua thực phẩm, mua sắm sử dụng 10 túi nilon thì với cả ngàn người lượng túi nilon sử dụng và thải ra môi trường là rất lớn. Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhiều công ty sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường được người dân tin tưởng sử dụng, như: túi nilon, găng tay tự hủy; túi làm bằng polyester…

Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà Nguyễn Thị Thúy, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) biết đến tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường, thay vì sử dụng túi nilon, hơn 1 năm nay, bà Thúy sử dụng túi làm bằng polyester để đi chợ. Bà Thúy cho biết: Trước kia tôi chỉ quen sử dụng túi nilon, nhưng từ khi sử dụng túi làm bằng polyester đi chợ tôi thấy tiện hơn do túi đựng được nhiều thứ, nhẹ, không thấm nước, hạn chế được bụi bẩn và đặc biệt là mẫu mã đẹp, có thể tái sử dụng nhiều lần nên sẽ hạn chế lượng túi nilon thải ra môi trường. Để phân loại thực phẩm, như: thịt, cá, đồ ăn chế biến sẵn… mỗi khi ra chợ tôi đều mang theo 2 - 3 chiếc hộp để đựng.

Hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, trên địa bàn tỉnh nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn, đồ uống đã thay thế túi nilon bằng loại túi thân thiện với môi trường và xu hướng này hiện đang được rất nhiều người ủng hộ. Đơn cử như hệ thống cửa hàng của Công ty Cổ phần Ssport kinh doanh đồ ăn và đồ thể thao đều sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, như: sử dụng thìa bằng gỗ, lá chuối để gói xôi, túi giấy để đựng bánh mì, túi vải đựng đồ thể thao… Thậm chí khi đi giao hàng, nhân viên cũng không sử dụng túi nilon mà cho đồ ăn vào túi vải lớn để giao đồ cho khách hàng. Bạn Lê Thị Quỳnh Trang, quản lý kinh doanh Công ty Cổ phần Ssport, cho biết: Mặc dù sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường chi phí cao hơn nhưng với mục tiêu dần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của một bộ phận người dân nên công ty chấp nhận thu lãi ít hơn. Một cách làm hay của Ssport là số túi giấy đựng đồ ăn đều quay lại với cửa hàng nhờ chương trình đổi vỏ giấy lấy bánh (10 chiếc túi sẽ đổi được một chiếc bánh mì 10.000 đồng). Chương trình này thu hút rất nhiều người tham gia, thậm chí cả những người cao tuổi. Số túi giấy này khi quay trở lại cửa hàng sẽ hạn chế được lượng rác thải ra môi trường và Công ty xử lý bằng cách thu gom cùng với những vỏ chai nhựa, vỏ bìa, túi nilon bọc quần áo để bán lấy tiền gây quỹ cho các đội tuyển tham gia du đấu. Hơn nữa, Công ty hoạt động cả trong lĩnh vực giáo dục, có rất nhiều các bạn trẻ ở nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện nên việc tạo cho các em thói quen hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần là rất cần thiết. Chúng tôi khuyến khích các em sử dụng ba lô để đựng đồ, sử dụng bình nước cá nhân cho mỗi buổi tập… từ những hành động nhỏ đó sẽ tạo cho các em một thói quen tốt, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Hy vọng rằng, từ những hành động nhỏ trong cuộc sống của mỗi người sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

Hoàng Linh