Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi thuộc về Tổ quốc và Nhân dân!

(Mặt trận) - Ngày 26.7, với nghi thức Quốc tang, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã trang trọng tổ chức Lễ viếng, an táng và tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo “tài đức vẹn toàn” của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 

Lòng dân - thước đo công bằng và chuẩn mực nhất!

Sinh thời, mỗi khi nhắc về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc và Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiếm khi không xúc động nghẹn ngào. Cũng không khó để lý giải điều này, bởi, xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, xây dựng con người mới XHCN và không ngừng củng cố đoàn kết thống nhất, trước hết là đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong sáng. Nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa Nguyễn Phú Trọng luôn tâm niệm và yêu cầu toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị “phải có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”, “liên hệ chặt chẽ với Nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng”.

“Nhân dân”, “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”… chính là một trong những điều mà Tổng Bí thư đã trăn trở, nung nấu và dành trọn tâm huyết cả một đời, đến tận những phút giây cuối cùng, với sự nhất quán ở mức cao nhất giữa “nói và làm”.

Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 
Đoàn Vương quốc Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen làm trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 
Đoàn Cộng hòa Belarus do Phó Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Belarus Siarhei Khamenka làm Trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 

Những ngày qua, khi nghe tin Người con ưu tú, trung hiếu của Dân tộc và Nhân dân Việt Nam từ trần, đồng chí, đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đều bày tỏ niềm tiếc thương khôn nguôi.

Tính đến ngày 26.7, đã có 101 nước/vùng lãnh thổ và 21 tổ chức/diễn đàn quốc tế gửi gần 400 thư, điện, thông điệp chia buồn với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Trong hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang, đã có có 100 đoàn quốc tế đến dự Lễ viếng, Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có 27 đoàn lãnh đạo các nước tới Việt Nam tham dự Lễ viếng; 91 cơ quan đại diện vào viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư tại Hà Nội và 27 Tổng Lãnh sự quán viếng Tổng Bí thư tại TP Hồ Chí Minh. Hơn 100 kiều bào đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài viếng và ghi sổ tang tại Hà Nội. Còn, tại 94 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cũng có khoảng hơn 3.000 đoàn tới viếng, trong đó lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế (như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba, Australia, Liên Hợp Quốc…) trực tiếp đến viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc đã nâng tầm tư duy chiến lược, tạo bước phát triển mới cho nền quốc phòng, an ninh và đối ngoại Việt Nam.

Càng về khuya dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng đông. Ảnh: TTXVN 
 

Và, số đoàn của các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân trong nước vào viếng Tổng Bí thư tại 3 địa điểm tổ chức Lễ Quốc tang là gần 6 nghìn đoàn với hơn 252 nghìn lượt người. Cùng với đó là gần 484 nghìn lượt người viết sổ tang điện tử trên ứng dụng VneID.

Đây cũng mới chỉ là những con số thống kê ban đầu, chưa kể hàng vạn, hàng triệu người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, dù không đến viếng trực tiếp, nhưng đều một lòng hướng về Thủ đô Hà Nội - nơi một “áng mây trắng tinh khiết” đã bay đi, để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sự kính trọng và tình cảm nhớ thương đặc biệt.   

Cũng trong hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang, cả Dân tộc Việt Nam đã chứng kiến một “biển người” trật tự xếp hàng trong sự im lặng nghiêm trang, có người mang theo di ảnh của Tổng Bí thư, hoặc cầm tờ báo có in hình ảnh và tin tức về sự ra đi của Ông, kiên nhẫn chờ đợi mấy tiếng đồng hồ (bất kể đêm khuya hay tiết trời nắng nóng) để được vào viếng, hoặc ngắm nhìn cỗ linh xa đưa linh cữu vị “Tổng Tư lệnh của lòng dân” về nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Đến hơn 21 giờ tối 25.7, dòng người vẫn xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: TTXVN 

Lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất - nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói như vậy. Mấy ngày qua, "biển người" cùng những giọt nước mắt chân thành, tự nhiên, xuất phát từ trái tim của đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế chính là sự thể hiện sinh động và chính xác nhất những gì mà Nhân dân dành cho Người đứng đầu Đảng ta - một nhà lãnh đạo "tài đức vẹn toàn", hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Vậy nên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của không chỉ Nhân dân. 

Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất!

Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Lễ tang đọc Lời điếu, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: TTXVN 

Với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và bền bỉ, với trí tuệ uyên bác và tư duy biện chứng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng - ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản và về kinh tế thị trường định hướng XHCN... “Di sản vô giá đó đã củng cố niềm tin mãnh liệt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phong trào cộng sản trên thế giới, phát triển chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay”, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định khi thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mãnh liệt truyền cảm hứng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bằng trí tuệ, tinh thần nhân văn, nhân ái cao cả, bằng ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, bằng nhân cách và danh dự người chiến sĩ cộng sản hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, với tâm niệm “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất!”, Nhà lãnh đạo kiên trung Nguyễn Phú Trọng không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước ta, dân tộc ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

 
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Tổng Bí thư tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Quang Khánh 
Người dân xúc động bày tỏ lòng thành kính, kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trung Thành 
Nhiều người dân không kìm được nước mắt trong giờ phút linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua. Ảnh: Trung Thành 
 Người dân chờ tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối. Ảnh: Trọng Hiếu

Trọn cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước bất kỳ trở ngại, khó khăn nào. Nhưng sinh thời, khi nói về những đóng góp của mình với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhất mực khiêm tốn nói rằng, được Đảng giáo dục, rèn luyện và từng bước trưởng thành, nhưng “tôi đã làm được gì nhiều đâu, còn nợ nhiều lắm…”.

Vậy nên, điều mà Người đứng đầu Đảng ta luôn tâm niệm, đó là nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để “xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Và, trong phát biểu khi nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (ngày 29.1.2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, như một “lời ước hẹn” để nói thay tình cảm và tấm lòng chân thành của mình đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, đó là: “Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/ Phải trả ta cho mạch giống nòi”.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng gia đình mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu trong nước và quốc tế mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 

15h ngày 26.7.2024, sau khi đã làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho “mạch giống nòi”, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự về với “Đất Mẹ”, về với “lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”, mãi mãi yên nghỉ cùng “thế giới người hiền”.

Nhưng từ hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới mà Ông để lại cho Đảng đến những cử chỉ, hành động và việc làm hàng ngày đã cho thấy: Ông đã sống trọn vẹn cuộc đời mình đúng như câu trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" mà sinh thời ông thường trích dẫn. Đó là: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"; "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ!"... 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, nhưng chắc chắn, tên tuổi và sự nghiệp, công lao và cống hiến, tài năng và đức độ của Tổng Bí thư sẽ còn sáng mãi trong lịch sử vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, trong sự tri ân của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta, trong tình cảm của bạn bè quốc tế.

Di sản mà Tổng Bí thư để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sẽ “sống mãi trong lịch sử Việt Nam”, được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà Tổng Bí thư trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

Và hơn hết, với những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Dân tộc, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ lý lẽ và niềm tin để tự hào khẳng định rằng, hơn mọi phần thưởng và danh hiệu cao quý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “mãi mãi thuộc về Tổ quốc và Nhân dân”.